Thế hệ trẻ sẽ biến sở hữu trí tuệ thành công cụ hướng đến tương lai tốt đẹp hơn

Thứ ba, 26/04/2022 16:50
(ĐCSVN) - Chúng ta cần hướng dẫn, hỗ trợ các bạn trẻ tiếp cận sớm, hiệu quả với hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT). Tôi tin rằng với sự nhanh nhạy và năng động vốn có của tuổi trẻ, các bạn sẽ dễ dàng biến SHTT trở thành một công cụ hữu hiệu để sáng tạo đột phá hướng một tương lai tốt đẹp hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamplus.vn

Đó là chia sẻ của ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ nhân Ngày SHTT thế giới 26/4.

Phóng viên (PV): Ngày SHTT thế giới (26/4) năm nay có chủ đề “SHTT và thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Ông có thể chia sẻ hơn về cách mà quyền SHTT có thể hỗ trợ các mục tiêu của thế hệ trẻ, giúp biến ý tưởng của họ thành hiện thực, tạo thu nhập, tạo việc làm và tác động tích cực đến thế giới xung quanh?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: SHTT được chia thành hai phạm trù (sở hữu công nghiệp, và quyền tác giả). Mỗi phạm trù bao gồm nhiều đối tượng quyền SHTT khác nhau và mỗi đối tượng quyền SHTT này đều đóng một vai trò nhất định từ giai đoạn lên ý tưởng cho đến khi đưa thành phẩm ra thị trường.

Giả dụ, bạn có ý tưởng phát triển công nghệ nhằm giải quyết một vấn đề nào đó. Lúc này, bạn có thể khai thác kho thông tin sáng chế để tìm hiểu trình độ công nghệ của thế giới để tránh nghiên cứu trùng lặp và thậm chí là bạn có thể tìm thấy công nghệ được phép miễn phí khai thác. Nếu công nghệ do bạn tạo ra được bảo hộ sáng chế tại Việt Nam, lúc này bạn sẽ độc quyền sản xuất, kinh doanh công nghệ này trong nước hoặc cho phép người khác sử dụng và thu lợi.

Đến khi đưa công nghệ ra thị trường tiêu thụ, bạn cần tính đến bảo hộ nhãn hiệu gắn với công nghệ này. Hệ thống bảo hộ nhãn hiệu còn giúp ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT.

Rõ ràng là SHTT đồng hành và gắn kết chặt chẽ với hoạt động đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ nói riêng cũng như người làm sáng tạo nói chung. Việc nhận thức đúng đắn về vai trò này của SHTT chính là bước đi đầu tiên vững chắc trên con đường sáng tạo làm thay đổi thế giới.

PV: Trong vài năm gần đây, vấn đề hình thành “văn hóa SHTT” thường xuyên được nhắc tới trên nhiều phương tiện truyền thông. Ông có thể giải thích rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của “văn hóa SHTT” trong giai đoạn hiện nay?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Từ sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT đến năm 2030, trong đó có đề ra một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đó là “hình thành văn hóa SHTT trong xã hội”, thì cụm từ ‘‘văn hóa SHTT” bắt đầu xuất hiện thường xuyên trên phương tiện truyền thông.

Lùi về những thập niên 90 của thế kỉ XX, chúng ta đã có những quy phạm điều chỉnh về SHTT. Tuy nhiên, dưới tác động của việc gia nhập tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WTO) năm 2004, Việt Nam ban hành Luật SHTT đầu tiên vào năm 2005. Vấn đề “văn hóa SHTT” cũng tương tự như vậy.

Các mạng xã hội phủ sóng toàn cầu như facebook, Instagram; công ty công nghệ như Samsung, Apple; nền tảng xem trực tuyến như Youtube, Netflix xâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam và đi kèm với đó vấn đề tôn trọng quyền SHTT. Khi càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia hiện diện tại Việt Nam thì yêu cầu về ý thức xã hội, cách thức hành xử liên quan đến các vấn đề SHTT tự nó dần dần trở lên bức thiết.  

Thực tế là chưa có một khái niệm chính thống nào về văn hóa SHTT được đưa ra, nhưng dựa trên khái niệm về văn hóa và khái niệm về SHTT, có thể nhận định văn hóa SHTT là tổng hòa các hiện tượng tinh thần có được từ các hoạt động của con người trong các vấn đề có liên quan đến SHTT.

Văn hóa SHTT ở đây chủ yếu là đề cập đến nhận thức, thái độ, lòng tin, giá trị quan của con người đối với các vấn đề SHTT và cách thức hành vi xử thế liên quan đến các vấn đề SHTT. Cũng có thể nói, văn hóa SHTT nghĩa là văn hóa của con người biết tự bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của người khác.

Văn hóa SHTT có thể được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội. Một hệ thống SHTT vận hành hiệu quả chỉ khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí. Ảnh: TL

PV: SHTT mang lại cơ chế bảo hộ về mặt pháp luật cho phép chủ sở hữu quyền hưởng lợi từ thành quả sáng tạo của mình và ngăn chặn hành vi sao chép của người khác. Vậy theo ông, liệu SHTT vẫn sẽ giữ vai trò là động lực để khuyến khích thế hệ trẻ thỏa sức sáng tạo hay sẽ là “tấm rào” làm chậm lại tinh thần táo bạo và nhiệt thành đổi mới của những người trẻ?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Bảo hộ SHTT trao cho chủ sở hữu quyền SHTT được tự mình hoặc cho phép người khác sử dụng, từ đó hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của mình. Để có được độc quyền này, đổi lại, tài sản trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện bảo hộ chặt chẽ do pháp luật quy định và trong một vài trường hợp còn cần phải thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tôi không cho rằng điều này lại trở thành rào cản hoạt động đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ. Dù là với nhóm đối tượng nào – học sinh, sinh viên, doanh nghiệp trẻ, nhà nghiên cứu trẻ -thì SHTT vẫn là một công cụ khuyến khích thế hệ trẻ thỏa sức sáng tạo.

Việc chúng ta cần làm là hướng dẫn, hỗ trợ các bạn tiếp cận sớm, hiệu quả với hệ thống SHTT. Tôi tin rằng với sự nhanh nhạy và năng động vốn có của “tuổi trẻ” thì các bạn sẽ dễ dàng biến SHTT trở thành một công cụ hữu hiệu để sáng tạo đột phá hướng một tương lai tốt đẹp hơn.

PV: Ông có thể cho biết các chính sách, giải pháp Cục đã và đang thực hiện để hỗ trợ cụ thể cho đối tượng này như thế nào?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Bên cạnh nhiệm vụ quản lý nhà nước về SHTT, thực hiện hoạt động xác lập quyền SHCN các thủ tục khác liên quan đến Văn bằng bảo hộ quyền SHCN theo quy định của pháp luật, Cục SHTT cũng dành nguồn lực cho hoạt động phát triển hệ thống SHTT của Việt Nam. Trong đó, Cục đã có những quan tâm nhất định tới đối tượng giới trẻ từ khá sớm nhằm nâng cao nhận thức cũng như tư vấn, hỗ trợ về SHTT cho các bạn trẻ.

Từ năm 2008, Cục SHTT đã bắt đầu tổ chức đào tạo kiến thức về SHTT từ cơ bản đến nâng cao cho sinh viên của các trường đại học trên toàn quốc nhằm tuyên truyền rộng rãi một lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam trong giai đoạn này cho giới trẻ - những người trong tương lai gần sẽ trở thành người vận hành doanh nghiệp, nhà sáng chế… Hoạt động này được tổ chức thường niên ở một số trường đại học chưa có bộ môn riêng về SHTT.

Sau khi đã thu hút được các bạn sinh viên quan tâm tới lĩnh vực SHTT, Cục SHTT bắt đầu tạo dựng sân chơi cho các bạn sinh viên thông qua việc phối hợp với các trường đại học tổ chức cuộc thi, từ đó tạo động lực, phong trào giúp các bạn có cơ hội tìm hiểu chuyên sâu hơn về SHTT.

Trong giai đoạn sắp tới, Cục SHTT tiếp tục mở rộng hoạt động truyên truyền về SHTT cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông với mục tiêu tạo dựng và nuôi dưỡng văn hóa SHTT cho trẻ em Việt Nam từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mong muốn ý thức tôn trọng quyền SHTT của người khác và biết cách bảo vệ quyền SHTT của mình sẽ được đi vào tiềm thức của trẻ em càng sớm càng tốt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực