Tôn trọng bình đẳng giới trong hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Thứ hai, 24/04/2023 13:19
(ĐCSVN) - Là một đạo luật chuyên ngành nhưng Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đều được xây dựng trên cơ sở thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử về giới, luôn đảm bảo nguyên tắc “nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bích Liên 

Nhân dịp Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo”, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chia sẻ về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022. Là một đạo luật chuyên ngành, vậy trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật SHTT, vấn đề bình đẳng giới được thể hiện như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Mặc dù là một đạo luật chuyên ngành, nhưng tất cả các điều khoản, đặc biệt là các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của chủ thể tham gia hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong Luật SHTT đều không có sự phân biệt về giới tính, qua đó quyền bình đẳng giới được thể hiện rất rõ: nữ giới và nam giới khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo đúng quy định sẽ có các quyền và nghĩa vụ như nhau.

Trong quá trình triển khai xây dựng Luật SHTT cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định đều được xây dựng trên cơ sở thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ và không phân biệt đối xử về giới, luôn đảm bảo nguyên tắc “nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” như quy định tại Điều 5 của Luật Bình đẳng giới năm 2006.

Trong hoạt động SHTT, tỉ lệ nam nữ tham gia các hoạt động liên quan cũng ở mức độ tương đối cân bằng. Theo số liệu thống kê sơ bộ tại ba cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về SHTT là Cục SHTT thuộc Bộ KH&CN, Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có khoảng 400 công chức, viên chức và người lao động, nữ giới chiếm hơn 50%. Lực lượng những người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong một thống kê sơ bộ gần đây cũng cho thấy số lượng nữ giới chiếm khoảng 54%.

Bên cạnh đó, SHTT là vấn đề xuyên suốt các ngành, lĩnh vực khác nhau, những người làm việc trong lĩnh vực SHTT có nền tảng chuyên môn đa dạng (ví dụ như điện tử, viễn thông, cơ khí, y dược, sinh học, nông nghiệp, thương mại, nghệ thuật, pháp luật, v.v.). Trong đó, tỉ lệ tham gia hạn chế của một giới ở chuyên môn này sẽ được bù đắp bằng sự ưu thế ở chuyên môn khác, do vậy khi tổng hợp lại tạo ra sự cân bằng chung về tỉ lệ nam nữ tham gia.

PV: Ông có thể chia sẻ về công tác phổ biến các quy định mới và việc triển khai hoàn thiện văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành của Luật sau gần một năm được Quốc hội thông qua?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Về công tác triển khai nhiệm vụ phổ biến Luật SHTT, Bộ KH&CN (Cục SHTT) đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm  nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật SHTT, tiêu biểu như: Hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - những vấn đề cần lưu ý”; Hội nghị “Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”; phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 3 QH khóa XV. Ngoài ra, Cục SHTT cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Luật SHTT.

Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật (Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ KH&CN). Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (Nghị định thay thế) trình Chính phủ xem xét, thông qua. Hồ sơ dự thảo Nghị định thay thế đã được trình Chính phủ theo kế hoạch và hiện nay, đang được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã khẩn trương xây dựng Hồ sơ dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN nhằm hoàn thiện khung pháp luật về SHTT. Hồ sơ dự thảo Thông tư đang được tiến hành thẩm định và sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất sau khi Nghị định thay thế được thông qua để kịp thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong các thủ tục liên quan đến xác lập quyền SHTT.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Ảnh: Hoài Nguyễn

PV: Hằng năm, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và nhiều tổ chức quốc tế thường liên tục truyền thông về các chiến lược SHTT và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững. Chúng ta cần làm gì để thông điệp này có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hợp tác quốc tế hiện nay, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ, KHCN&ĐMST là một trong những đột phá chiến lược, là cơ sở quan trọng để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh từ đó thúc đẩy đất nước phát triển năng động và bền vững.

Trong những năm qua, làn sóng đổi mới sáng tạo đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên mọi nơi trong nhiều lĩnh vực, và cùng với phong trào "khởi nghiệp", "đổi mới sáng tạo", thuật ngữ "sở hữu trí tuệ" được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết. Do vậy, tôi cho rằng về cơ bản công chúng đã thấy và hiểu được vai trò của SHTT là chìa khoá hội nhập thời kỳ mới.

Thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới và đa dạng cách tiếp cận các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT, cần có các giải pháp triển khai đồng bộ và sáng tạo hơn để đưa SHTT thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.

PV: Hiện nay, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong hoạt động nghiên cứu KHCN. Số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng. Tuy nhiên, theo WIPO chỉ 16,5% các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ. Ở Việt Nam, có con số thống kê cụ thể chưa và ông có thể cho biết một số nét về hoạt động nghiên cứu KHCN, thực thi quyền SHTT của nữ giới?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Tại Việt Nam, hiện chưa có con số thống kê các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế là phụ nữ. Tuy nhiên, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước). Thông qua hoạt động nghiên cứu KH&CN, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, họ đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu KH&CN, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Có thể kể đến PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm – giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, người đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng; GS. TS. Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) đã đoạt giải Vàng, giải Bạc tại Triển lãm quốc tế Phụ nữ sáng tạo và sở hữu trí tuệ năm 2018 của Hiệp hội các nhà nữ sáng chế của Hàn Quốc; TS. Lê Thái Hà (34 tuổi) là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam được xướng tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 được Nhà xuất bản Elsevier công bố.

Ba nhà nữ khoa học: PGS. TS Lê Minh Hà - Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS Phan Thị Phương Nhi - Phó Trưởng khoa Nông học, phụ trách Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm Huế; TS Hà Thị Thanh Hương - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được “L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” vinh danh Giải tài năng nữ khoa học trẻ thế giới.

Ngoài ra, tại Cục SHTT, số cán bộ, công chức, viên chức người lao động nữ chiếm hơn 50%, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong hoạt động của Cục SHTT.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực