|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV. (Ảnh: TL) |
Theo đánh giá của các đại biểu, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, một số bộ như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ (KH&CN) trong phòng, chống dịch bệnh. Kết quả là đã có nhiều nghiên cứu quan trọng về dịch tễ học, chế tạo bộ Kit phát hiện Sars-Cov-2 và sản xuất vaccine phòng dịch COVID -19, sản xuất robot, máy thở, ứng dụng công nghệ kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị.
Cũng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, theo báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân đề nghị đẩy nhanh hơn nữa nghiên cứu phát triển sản xuất vaccine COVID-19 trong nước. Điều này cho thấy việc đầu tư ứng dụng cho KH&CN trong phòng, chống dịch COVID-19 là hết sức cấp thiết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Dành nguồn vốn cho phát triển công nghệ sản xuất vaccine
Quan tâm đến lĩnh vực đầu tư vốn cho KH&CN, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, điều cử tri còn băn khoăn hiện nay đó là việc đầu tư sử dụng vốn nhà nước cho KH&CN thời gian qua vào phòng, chống COVID-19 có điểm nghẽn nào cần tháo gỡ? Đã tận dụng được hết các nghiên cứu trong phòng, chống dịch bệnh và sản xuất vaccine chưa? Cần tăng cường giám sát của Quốc hội đối với việc đầu tư sử dụng vốn nhà nước cho KH&CN để phòng, chống dịch bệnh như thế nào?
Trước thực tế trên, đại biểu phân tích: Về sử dụng vốn nhà nước và ưu đãi thuế trong giai đoạn 2016-2020 chi ngân sách cho KH&CN không đạt chỉ tiêu 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến vai trò vốn mồi của đầu tư công trong thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, không thúc đẩy hợp tác công tư trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng KH&CN.
Bên cạnh những hạn chế trong chi ngân sách, vướng mắc lớn nhất là chưa có tiếng nói chung giữa người làm khoa học và người quản lý tài chính trong một số vấn đề như: quy định quản lý nhiệm vụ khoa học, sử dụng ngân sách còn phức tạp, nhiều nội dung mang tính hành chính, sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ còn vướng mắc; chuyển giao kết quả phát triển nghiên cứu từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp còn chậm, chưa có quy định cụ thể về sử dụng ngân sách trong chi trả cho thử nghiệm lâm sàng…
Ở khía cạnh khác, đại biểu nêu rõ: Cử tri đánh giá cao Bộ KH&CN đã có tầm nhìn khi xây dựng một số nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản từ năm 2011 như Chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2011-2015. Theo đó dự kiến sản phẩm của chương trình này là sản xuất được một số vaccine và sinh phẩm y tế đạt tiêu chuẩn các nước tiên tiến.
“Tuy nhiên cử tri quan tâm về kết quả nghiên cứu và sản phẩm của những nhiệm vụ nói trên có đạt yêu cầu như phê duyệt không? Những vấn đề này cần phải được báo cáo làm rõ hơn để xem hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN trong phòng, chống dịch bệnh”, đại biểu đề xuất.
Cho ý kiến về việc giám sát của Quốc hội trong đầu tư và sử dụng vốn nhà nước cho KH&CN trong phòng, chống dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng cho hay: Mấy tháng gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo kịp thời một số cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường nghiên cứu báo cáo nhiều nội dung liên quan đến dịch bệnh, trong đó có việc sử dụng vốn nhà nước cho phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19. Hỗ trợ người lao động mất việc làm và đối tượng bị ảnh hưởng. Hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn và gần đây nhất là một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Riêng Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về KH&CN trong phòng, chống COVID-19.
“Như vậy, các nội dung được Quốc hội triển khai là rất đúng, trúng vấn đề, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, sự chủ động, kịp thời và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội”, đại biểu khẳng định.
Để việc bố trí ngân sách giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả, đại biểu Tuấn Anh kiến nghị Quốc hội hằng năm xem xét tiếp tục bố trí ưu tiên vốn kịp thời cho nghiên cứu KH&CN trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh trên động vật và người.
“Trước mắt là nguồn vốn cho phát triển công nghệ sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19. Tôi đề nghị bổ sung nội dung này trong dự thảo nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn”, đại biểu cho biết.
Đồng thời đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm giải quyết các vướng mắc liên quan đến cơ chế ưu đãi thuế, đầu tư ngân sách nhà nước để tập trung nguồn lực cho KH&CN. Nghiên cứu xây dựng các thể chế, cơ chế đột phá vượt trội có kiểm soát về tài chính, các chính sách về thuế, cơ chế đầu tư mạo hiểm để huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN nói chung và phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh nói riêng.
Đại biểu đề xuất, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mà kể cả trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI đề nghị ưu tiên xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất vaccine quốc gia để phòng bệnh trong dài hạn. “Đối với Bộ KH&CN, đề nghị rà soát, công khai kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến phòng, chống dịch bệnh. Việc công khai này sẽ giúp cho đại biểu Quốc hội và cử tri giám sát được hiệu quả của KH&CN. Cần có giải pháp căn cơ, trong đó có việc đầu tư cho KH&CN”, đại biểu nêu rõ.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cũng đề nghị rà soát, bố trí vốn ở mức cao hơn cho lĩnh vực KH&CN. Bởi theo đại biểu, hiện nay lĩnh vực KH&CN mới chỉ được bố trí khoảng 1,8%, lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện mới bố trí khoảng 1,9%. Ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, vì đây là 2 vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của cả nước.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) lại đề nghị tăng chi cho KH&CN, đặc biệt cho công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, năng lượng sạch. “Trong quá trình vừa rồi có đầu tư năng lượng tái tạo, tôi đề nghị trong giai đoạn tiếp đây phải chuyển dần từ năng lượng tái tạo sang lựa chọn năng lượng sạch, đặc biệt là công nghiệp chế biến nhằm tạo giá trị ta gia tăng và bảo quản”, đại biểu cho hay.
Áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để hạn chế trốn thuế
Giải trình và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đề xuất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Hiện nay, Chính phủ có nhiều ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất khi đầu tư vào lĩnh vực KH&CN để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên cũng như thu - chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dịch COVID-19 đang tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống, trong đó, nguồn thu của nhà nước giảm mạnh khi số lượng các doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Vì thế, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản để tham mưu Chính phủ điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
"Chúng tôi sẽ thường xuyên tham mưu Chính phủ, Quốc hội để bảo đảm nguồn thu ngân sách phục vụ phát triển kinh tế và vừa chống dịch. Trong đó, tập trung vào các nguồn thu tiềm năng như nền tảng số, tài nguyên khoáng sản, đất đai… Cùng với các giải pháp được áp dụng để chống thất thu thuế, chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để hạn chế trốn thuế, chuyển giá, đặc biệt là các dự án lớn", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh./.