Việt Nam thúc đẩy hợp tác với WIPO về lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Thứ ba, 09/07/2024 22:16
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị, thời gian tới, WIPO mở rộng hợp tác với Việt Nam về nghiên cứu mối quan hệ giữa bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, vấn đề xử lý đơn tồn đọng.
 Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 65 Đại hội đồng WIPO. Ảnh: Bộ KH&CN

Sáng ngày 9/7, Kỳ họp lần thứ 65 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ. Kỳ họp thu hút sự tham dự kỷ lục của hơn 1.400 đại biểu, trong đó có gần 20 Bộ trưởng/Thứ trưởng từ 191 quốc gia thành viên và các quan sát viên.

Đoàn công tác Việt Nam gồm đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ do ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN dẫn đầu.

Thay mặt đoàn công tác của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đã phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng WIPO. Thứ trưởng chúc mừng các thành tựu nổi bật của WIPO liên quan đến công tác xây dựng thể chế, cụ thể là đã thông qua Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, nguồn gen, tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen và việc sẽ triệu tập Hội nghị Ngoại giao để thông qua Hiệp ước DLT tháng 11 tới.

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đã ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030, trong đó huy động mọi đối tượng trong xã hội tham gia vào hoạt động sở hữu trí tuệ, xác định rõ doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Thứ trưởng cũng thông báo việc lần đầu tiên, Việt Nam đã xây dựng thành công và công bố báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023.

Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang. Tại buổi gặp, Thứ trưởng đã thông báo với Tổng Giám đốc WIPO các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ.

Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc về những đóng góp quý báu của WIPO dành cho Bộ KH&CN trong thời gian vừa qua. Cụ thể là, WIPO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng phương pháp luận về cách tính toán Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương, hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và một số dự án quan trọng khác…

Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, WIPO mở rộng hợp tác với Việt Nam về nghiên cứu mối quan hệ giữa bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, vấn đề xử lý đơn tồn đọng.

Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang chúc mừng các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian gần đây và đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ.

Tổng Giám đốc WIPO chúc mừng Việt Nam đã có sự thăng tiến ổn định trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu và cho rằng Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đã xây dựng được phương pháp luận và công bố Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương.

Tổng Giám đốc WIPO cũng đánh giá cao chiến lược nhất quán của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ và cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Bộ KH&CN trong triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật với WIPO như dự án TISC, đào tạo giảng viên, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tối ưu hóa quy trình xử lý đơn sở hữu công nghiệp, hỗ trợ triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia. Tổng Giám đốc WIPO cam kết sẵn sàng triển khai các nội dung hợp tác mới như Thứ trưởng đề xuất.

Được biết, Kỳ họp lần thứ 65 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới lần này sẽ thông qua báo cáo của các Ủy ban, Hội đồng của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid; và rà soát báo cáo của WIPO về các hoạt động của Tổ chức từ kỳ họp Đại hội đồng lần trước.

Một số nội dung chính thu hút được sự quan tâm của các Thành viên bao gồm: báo cáo về kết quả Hội nghị ngoại giao thông qua Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, nguồn gen, tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen; triệu tập Hội nghị Ngoại giao để thông qua Hiệp ước Luật kiểu dáng công nghiệp (DLT) và việc thi hành các khuyến nghị liên quan đến Chương trình phát triển của WIPO./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực