Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)
Trước đây chỉ sạt lở ở các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao,.... nhưng gần đây tình hình sạt lở đất đã chuyển sang chiều hướng phức tạp, đã phát sinh thêm nhiều trường hợp sạt lở các tuyến đê bao, kênh, rạch nhỏ. Gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn và đời sống sinh hoạt của người dân. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có: 27 tuyến kênh, rạnh thường xuyên xảy ra sạt lở, đặc biệt là vào những tháng mùa khô, như: Kênh Xáng Tân An, kênh Thần Nông, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn, rạch Cỏ Lau...
Đồng thời, tình hình hạn kiệt cũng ảnh hường rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân, như: thiếu nước sản xuất, sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt là ở 02 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, là 02 huyện biên giới, miền núi và có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Tổng diện tích của 02 huyện là 12.608 ha đất sản xuất của người dân tộc Khmer, chiếm 5,1% diện tích của tỉnh, trong đó có trên 6.563 ha diện tích đất vùng cao rất dễ xảy ra thiếu nước vào mùa khô; tổng dân số là 18.512 hộ là dân tộc khmer, với 91.138 người, chiếm tỷ lệ 75,54% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 3,9% so tổng dân số toàn tỉnh.
Trước tình hình trên, An Giang đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế và khắc phục các khu vực sạt lở và bảo vệ các tuyến đê bao. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn An Giang, tỉnh đã thực hiện các công việc như: Thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy trên Sông Hậu khu vực Mỹ Hoà Hưng - TP. Long Xuyên, chỉnh trị dòng chảy ở xã Châu Phong, TX.Tân Châu. Thực hiện kè bảo vệ và khắc phục sạt lở để bảo vệ các công trình hạ tầng, kiến trúc quan trọng như: kè Tân Châu, kè Vĩnh Xương, kè Nguyễn Du, kè Bình Đức, kè Bình Khánh. Thường xuyên thực hiện gia cố và kiên cố các tuyên đê bao đảm bảo cao trình đê vượt lũ năm 2000 để bảo vệ sản xuất khi có lũ về. Tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ đê bao trong mùa mưa lũ. Đồng thời cũng tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo, dự báo về lũ, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch.
Để ứng phó với tình trạng hạn, xâm nhập mặn, địa phương đã tranh thủ thực hiện các dự án đầu tư hệ thống thủy lợi vùng cao, như: trạm bơm điện, hồ chứa nước để trữ nước và dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh, như: Hồ chứa nước Ô Thum, Hồ Soài So, hồ Ô Tà Sóc, Trạm bơm 3/2, Trạm bơm Châu Lăng, trạm bơm Lê Trì. Xây dựng các hệ thống cống điều tiết, cống ngăn mặn, các đập ngăn mặn. Đồng thời cũng tăng cường công tác đo, quan trắc, thông tin cảnh báo, dự báo hạn, mặn trên khu vực (8 điểm quan trắc: huyện Thoại Sơn 4 điểm, Tri Tôn 4 điểm).
Để từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh An Giang đã chủ động thực hiện một số nhiệm vụ như đã nêu trên. Đồng thời, rà soát, xây dựng các đề án, dự án trên địa bàn tỉnh như: Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên; Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL; Kè chống sạt lở sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong, TX Tân Châu; Dự án đầu tư xây dựng cụm tuyến dân cư di dời khẩn cấp các hộ dân vùng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại về người, tài sản, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, đặc biệt là người dân tộc Khmer, tỉnh An Giang có kiến nghị như: Kiến nghị Trung ương hỗ trợ từ các nguồn vốn ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, hạn và xâm nhập mặn,... Có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án xây dựng cụm, tuyến dân cư để di dời khẩn cấp các hộ dân vùng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh An Giang thay cho việc đầu tư các cụm tuyến dân cư vượt lũ ở các khu vực này. Hỗ trợ đầu tư các dự án hồ trữ lũ ở các khu vực không sản xuất vụ Thu đông để tích trữ nguồn nước mùa lũ để sử dụng cho mùa khô và góp phần điều hoà sinh thái. Hỗ trợ đầu tư nạo vét các tuyến kênh lớn nối liền các sông chính như: sông Tiền, sông Hậu để tăng lưu lượng nước cung cấp vào vùng nội đồng Tứ giác Long Xuyên.
Về văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai cấp tỉnh, huyện và xã: Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai ở địa phương là kiêm nhiệm, còn hạn chế về năng lực, chưa chuyên môn hóa. Do đó, để tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai ở địa phương, kiến nghị Trung ương cho thành lập bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai ở cấp tỉnh, huyện và cấp xã.
Về kinh phí hoạt động: Ngoài kinh phí thu từ quỹ phòng, chống thiên tai và dự phòng ngân sách để chi cho các hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai. Kiến nghị Trung ương bố trí kinh phí từ ngân sách cho hoạt động của bộ phận thường trực…