Cần nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh

Thứ sáu, 21/07/2017 15:26
(ĐCSVN) - Cuộc cách mạng xanh khởi đầu từ hơn 4 thập kỷ qua đã tạo ra một bước đột phá về năng suất và sản lượng trong nông nghiệp, nhưng đồng thời cũng dẫn đến sự gia tăng nhanh mức độ ô nhiễm môi trường do việc sử dụng ngày càng nhiều phân hoá học, thuốc trừ sâu, bệnh ,cỏ dại…

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thành công ngoạn mục của cuộc cách mạng xanh một thời đã tạo ra định kiến tai hại là muốn đạt năng suất cao nhất thiết phải dùng lượng hoá chất lớn, làm cho dư lượng hoá chất trong nông sản và trong môi trường ngày càng cao, đến mức báo động. Nông dân ngày càng có xu hướng sử dụng càng nhiều hoá chất độc hại để đạt năng suất cao và sản phẩm trông đẹp mắt. Đến nay, do vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng trở nên bức xúc, nhiều địa phương đã phát triển nhanh phong trào sản xuất rau an toàn, bước đầu tuy vẫn còn dùng một phần phân hoá học, thuốc trừ sâu theo đúng quy định, nhưng cũng đã là bước tiến lớn và chỉ tập trung ở vùng có sự chỉ đạo của địa phương, của ngành và tư vấn sát sao của cán bộ khuyến nông để xây dựng đươc chuỗi giá trị. Bước tiếp theo để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái bền vững là phát triển dần các mô hình nông nghiệp hữu cơ (NNHC), vì lợi ích chung của xã hội và của bản thân người nông dân.

Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức canh tác nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp lớn để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch. Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.

Theo Tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM): Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù cho trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người. Mục tiêu của NNHC nhằm đạt năng suất nuôi trồng cao với phẩm chất tốt mà vẫn không phải sử dụng hoá chất, tiết kiệm được năng lượng, bảo vệ tốt đa dạng sinh học, môi trường và tài nguyên thiên nhiên. NNHC sử dụng chủ yếu các nguồn tài nguyên tại chỗ với các biện pháp nông học, sinh học, cơ học. Canh tác Nông nghiệp hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao…

Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương.

Lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện mới chỉ chiếm vị trí rất nhỏ nên chi phí cho sản xuất, vận chuyển, chế biến và bán ra thị trường sẽ có giá cao. Tuy nhiên, quá trình ủ phân cần nhiều sức lao động, phải thu gom các chất thải đồng ruộng và các loại cây làm phân xanh, cắt nhỏ rồi ủ chung với phân chuồng và chất lên men, thời gian ủ lâu, phức tạp và kỳ công hơn so với sử dụng phân hóa học.

Do vậy, nhiều hộ dân dù thấy được tính hiệu quả nhưng còn ngần ngại áp dụng, khó duy trì mô hình sản xuất hữu cơ lâu dài được. Ngoài ra, các sản phẩm của canh tác hữu cơ do không sử dụng thuốc kích thích nên hình thức không "bắt mắt" khó thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Sản phẩm hữu cơ lại chưa được phổ biến rộng rãi; chưa có giấy chứng nhận sản phẩm an toàn nên giá bán không cao hơn, thậm chí chỉ bằng các loại rau an toàn.

Hơn nữa, do chưa có tiêu chuẩn về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nên người tiêu dùng chưa có căn cứ phân biệt sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm thông thường khác. Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp an toàn nói chung và sản xuất hữu cơ nói riêng gặp nhiều khó khăn, cần phải xây dựng những mô hình đồng bộ liên kết, đặc biệt liên kết để tiêu thụ sản phẩm ổn định, giá thu mua cao bên cạnh chuyển giao về giống mới, kỹ thuật canh tác mới.

Với những tồn tại trên, cần nhân rộng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chẳng hạn, mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Hòa bình. Hợp tác xã xóm Mòng, huyện Lương Sơn là vùng sản xuất rau hữu cơ an toàn nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Mô hình này được triển khai từ năm 2008 dưới sự kết hợp của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Để tham gia dự án, nông dân phải trải qua đợt tập huấn kéo dài 3 tháng về phương pháp trồng và cách chăm sóc rau hữu cơ.

Giống rau mà bà con sử dụng được cung cấp từ trung tâm giống cây trồng của tỉnh Hòa Bình. Tham gia vào mô hình này, bà con không được phép sử dụng các loại hóa chất để bón, tưới cho rau, đồng thời, bón phân chuồng ủ hoai mục thay cho phân hóa học. Để phòng trừ sâu bọ, người dân sử dụng các biện pháp truyền thống như bắt sâu bằng tay hoặc pha chế thuốc bảo vệ thực vật từ nhiều loại thảo mộc như gừng, tỏi, ớt rồi ngâm với rượu để phun xịt. Sản phẩm rau hữu cơ của hợp tác xã Lương Sơn đã được cấp chứng nhận PGS, hệ thống bảo đảm dựa vào sự tham gia của các tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ. Với diện tích trồng 20 ha, các tổ sản xuất tại đây cung cấp khoảng 15 tấn rau sạch mỗi năm cho thị trường.

Hoặc mô hình thịt lợn hữu cơ Sóc Sơn, Hà Nội. Tại trang trại Bảo Châu, Sóc Sơn, Hà Nội, đàn lợn được nuôi theo phương pháp hữu cơ, kết hợp công nghệ vi sinh hữu hiệu E.M của Nhật Bản. Người dân chăn nuôi theo quy trình đảm bảo "3 không" là không thức ăn có nguồn gốc từ động vật, không kháng sinh và không chất cấm trong chăn nuôi. Công nghệ vi sinh hữu hiệu E.M được đưa vào quá trình sản xuất thức ăn, làm đệm lót sinh học trong chuồng trại, giúp người nuôi quản lý các yếu tố về môi trường, dịch bệnh. Cụ thể, toàn bộ thức ăn cho đàn được chế biến từ những nguyên liệu tự nhiên như cám gạo, đậu tương, ngô trộn với chế phẩm E.M, sau đó ủ lên men. Thức ăn này chứa các enzym có lợi cho hệ tiêu hóa của lợn, giúp hạn chế tối đa các loại bệnh về đường ruột, đồng thời tăng sức đề kháng.

Bên cạnh đó, toàn bộ nền chuồng, trại được trải bằng lớp mùn cưa có tưới chế phẩm E.M, giúp thấm hút và phân hủy các chất thải. Đối với nền chuồng này, lợn có thể ủi, dũi mà không sợ bị nhiễm bẩn. Ngoài ra, mật độ cá thể trong chuồng nuôi phải tuân thủ quy định, đảm bảo lợn có không gian vận động nhằm tăng sức đề kháng và cho thịt chắc hơn. Khi đạt trọng lượng hơn 100 kg, lợn sẽ được đem tới khu giết mổ riêng biệt và đưa vào nhà mát từ 0 đến 5 độ C trong vòng 6 giờ sau khi giết mổ. Quá trình này làm giảm độ pH từ 7.5 xuống 5.5, giúp đảm bảo chất lượng thịt. Sau đó, thịt lợn được hút chân không và cấp đông ở âm 20 độ C nhằm bảo quản thịt trong thời gian dài.

Mô hình nuôi bò sữa hữu cơ Trác Văn, Hà Nam: Những năm gần đây, người dân ở xã Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam đã áp dụng tiêu chí "5 không" trong chăn nuôi bò sữa. Cụ thể là không cám công nghiệp, không thức ăn biến đổi gen, không chất kích thích tăng sữa, không chất bảo quản và không tồn dư kháng sinh. Khẩu phần ăn của bò gồm 80% là thức ăn tươi xanh lấy từ các loại cỏ tự nhiên và thân, bắp ngô được ủ yếm khí; 20% còn lại là thức ăn tinh như bột ngô, bột đậu tương, cám gạo. Chế độ này giúp hệ tiêu hóa của bò hoạt động tốt hơn, đồng thời tăng sản lượng và chất lượng sữa. Hàng tuần, trang trại đều được phun enzym khử trùng một lần, nhằm hạn chế nguồn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe của bò. Ngoài ra, đàn bò thường xuyên được tắm chải, nghe nhạc, chạy nhảy để giữ tinh thần thoải mái và cho ra lượng sữa tốt nhất. Mỗi năm, trang trại bò sữa tại Trác Văn cung cấp 2 triệu lít sữa cho thị trường Hà Nam và Hà Nội.

Một vài mô hình điểm cho thấy hướng phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn mà đỉnh cao là sản xuất hữu cơ sẽ được mở rộng trong thời gian tới. Lợi ích trước hết có lẽ cho chính người sản xuất với các biện pháp nuôi trồng ít và không sử dụng hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống nông thôn. Lợi ích cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn không gây độc hại sức khỏe. Hiện nay cả xã hội từ  người sản xuất và tiêu dùng, người kinh doanh đều mong muốn sản phẩm an toàn nhưng tỷ lệ sản phẩm an toàn trên thị trường còn ít trong khi sản xuất sạch không phải quá khó khăn.

Vấn đề nằm ở chỗ tổ chức sản xuất, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương, của ngành nông nghiệp để xây dựng cho được các HTX đủ mạnh là người đại diện cho hộ nông dân nhỏ để tổ chức sản xuất cùng loại giống, cùng quy trình nuôi trồng, cùng thời điểm thu hoạch, cùng tạo ra khối lượng sản phẩm lớn và đồng đều về chất lượng cung cấp cho thị trường trong mối liên hệ thống nhất: nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp dịch vụ đầu vào - doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Mối liên kết này được thể hiện bằng các hợp đồng cam kết lâu dài, có chính quyền địa phương giám sát và tạo điều kiện, có hệ thống khuyến nông tư vấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Đ.H
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực