(ĐCSVN) - Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Dương, với việc triển khai các giải pháp quyết liệt thời gian qua đã giúp người chăn nuôi lợn tiêu thụ được phần nào nguồn thịt lợn. Tuy nhiên, từ thực tế vừa qua, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương, sản xuất của ngành cần gắn với nhu cầu các phân khúc của thị trường.
Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương, giữa năm 2016, thịt lợn hơi đã có dấu hiệu khủng hoảng thừa và đến quý 4/2016, cơ bản giá thịt lợn hơi xuống rất thấp, xuống tới 19-20 nghìn đồng/kg, thậm chí xuống tới 15 nghìn đồng/kg và thấp nhất so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, với việc triển khai các giải pháp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhằm ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi lợn trong 3 tháng vừa qua đã đạt được những kết quả rất tích cực. Trong đó, đã huy động được hệ thống chính trị, các cơ quan, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các địa phương tham gia chia sẻ khó khăn nhằm từng bước ổn định và phát triển chăn nuôi lợn.
Trong đó, bằng hai giải pháp cơ bản là tăng cầu và giảm cung. Trong nội địa, các đoàn thể trong các mặt trận đều tham gia mua lợn, tiêu thụ thịt lợn. Cùng với đó, tăng cường giết mổ và cấp đông, tăng sức mua thịt lợn, giảm nguồn cung và giảm tăng đàn. Riêng đàn lợn nái và đàn hậu bị không tăng. Như vậy, trong 3 tháng, ngành chăn nuôi đã giảm được 500 nghìn con lợn nái, chiếm 10,28% số lợn.
“Ngành chăn nuôi lợn chiếm 70% thị phần các sản phẩm chăn nuôi. Sau ngành chăn nuôi lợn là hệ thống doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, hệ thống công nghiệp dịch vụ thú y và hệ thống ngân hàng đầu tư vào đấy. Nếu chúng ta không có biện pháp tích cực như vậy sẽ gây đảo lộn rất lớn khu vực kinh tế nông nghiệp nông thôn trong lĩnh vực chăn nuôi” - Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
Từ việc giá lợn giảm sút trong khi lượng cung dồi dào thời gian qua, theo ông Nguyễn Xuân Dương, sản xuất hiện nay cần theo thị trường thay vì sản xuất theo tiềm năng như trước đây. Vì vậy, cần sản xuất để bán ra thị trường ở phân khúc được xác định và đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn ở các phân khúc đó.
Trước tình hình ngành chăn nuôi lợn như hiện nay, thông tin về việc người chăn nuôi có nên tái đàn hay không, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương, giá lợn hơi hiện nay mới chỉ giúp người chăn nuôi đỡ lỗ, thậm chí là hòa. Trong khi khối lượng thịt lợn trong sản xuất còn nhiều, ngành chăn nuôi không có nguy cơ thiếu thịt lợn nên giá thịt lợn từ nay đến cuối năm không tăng cao. Nếu tăng cao cũng chỉ trong phạm vi 35-40 nghìn đồng/kg. Vì vậy, Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương cho biết, ngành chăn nuôi đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương kiểm soát thật chặt việc tăng đàn với tinh thần không tăng đàn. Đồng thời, kiểm soát quá trình chăn nuôi, vấn đề sử dụng thức ăn chăn nuôi nhằm hạ giá thành chăn nuôi./.