10 sự kiện nổi bật ngành Kế hoạch và Đầu tư 2023

Thứ ba, 02/01/2024 15:16
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Năm 2023, cùng với các đơn vị khác trong cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội đất nước.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Cơ sở Hòa Lạc) chính thức
được khánh thành vào tháng 10/2023. (Ảnh: MPI)

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổng hợp 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm qua:

1. Khánh thành NIC Cơ sở Hòa Lạc & Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023

Sau gần 3 năm thi công, Cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Cơ sở Hòa Lạc) chính thức được khánh thành vào cuối tháng 10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ cùng sự hiện diện của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước.

Đồng thời, từ ngày 28/10 đến ngày 01/11/2023, tại NIC Cơ sở Hòa Lạc đã diễn ra Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) với các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các giải pháp công nghệ mới trong 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC, bao gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, công nghệ hydrogen và công nghệ y tế. VIIE 2023 được tổ chức với quy mô mang tầm quốc tế, là nơi kết nối, trao đổi và mở rộng các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước.

2. Đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng 

Quý I/2023, tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017 - 2022 (33.191 doanh nghiệp).

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (QLĐKKD), năm 2023, các giải pháp đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực. Do đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành và lĩnh vực.

3. Giải ngân vốn FDI 2023 đạt mức kỷ lục từ trước đến nay

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD, thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.

4. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm

Ước giải ngân đầu tư công cả năm khoảng 667,882 nghìn tỷ đồng, đạt 94,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 2,88% (91,42%), về số tuyệt đối cao hơn khoảng 137,6 nghìn tỷ đồng. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực phát triển.

Đại hội đại biểu Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2023-2028. (Ảnh: HNV)

5. Đại hội đại biểu Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/8/2023 với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Sáng tạo, Đại hội đã khẳng định, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CBCCVCLĐ) của Bộ đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, từ đó đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước.

Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ, đội ngũ CBCCVCLĐ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngừng phát triển, trưởng thành về nhiều mặt, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, hiệu quả công tác ngày càng được nâng cao; tích cực tham gia cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác. Các CBCCVCLĐ không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng, quyết tâm cao thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

6. Lần đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố Tỷ trọng giá trị gia tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là 12,66%, 12,88% 12,63% và 12,33%. Trung bình tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP các năm 2020 - 2023 đạt khoảng 12,62% và năm 2023 là 12,33%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,42% (chiếm 60,19%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 39,81%).

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP có xu hưởng giảm do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm khoảng hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số) giảm do nhu cầu thế giới giảm. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản lý điều hành có xu hướng tăng lên. Điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,53% năm 2020 lên 6,65% năm 2023.

7. Góp phần vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, hoàn thiện tài liệu công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển. Việc Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới". Song song với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ cũng góp phần cùng Chính phủ thẩm định hồ sơ Quy hoạch 4 vùng vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo tinh thần Quy hoạch vùng phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược.

8. Chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết, Luật quan trọng gồm có: Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, được thông qua ngày 28/11/2023; Luật Giá 2023; Luật Hợp tác xã 2023 và Luật Đấu thầu 2023. Một điểm mới nữa là kể từ ngày 01/7/2023, Hộ kinh doanh đã được liên thông điện tử giữa 2 cơ quan đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vươn lên vị trí số 1 về chuyển đổi số

Theo Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 (DTI 2022) được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 12/9/2023, trong các cơ quan cấp bộ và ngang bộ có dịch vụ công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vươn lên vị trí số 1 với giá trị DTI là 0,8219, tăng 0,2093 so với năm trước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ "Chương trình vì sự phát triển cộng đồng". (Ảnh: HNV)

10. Lan tỏa Chương trình vì sự phát triển cộng đồng có bước phát triển mới trong năm 2023

Ngày 17/10, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn DAEWOO Engineering & Construction (E&C) trao tặng khoản tài trợ 3 tỷ đồng trong 3 năm, từ năm 2023 đến năm 2025 (mỗi năm 1 tỷ đồng) cho Quỹ Hỗ trợ người khiếm thị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ.

Được biết, từ khi ra đời cho đến nay, “Chương trình vì sự phát triển cộng đồng và Sáng kiến cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”, thông qua Hội người mù Việt Nam và Hội người mù các tỉnh, thành phố đã trao tặng trên 20.000 cây gậy trắng cho người khiếm thị của 53 tỉnh, thành phố trên cả nước; đồng thời cũng đã tài trợ các khoá đào tạo sử dụng gậy trắng cho học viên khiếm thị ở các vùng miền Bắc, Trung, Nam để sử dụng gậy trắng an toàn và hiệu quả./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực