Áp lực chi phí năng lượng toàn cầu thúc đẩy trung tâm dữ liệu phát triển bền vững

Thứ tư, 20/07/2022 16:33
(ĐCSVN) - Trong bối cánh chi phí năng lượng toàn cầu ghi nhận đà tăng giá liên tục, các trung tâm dữ liệu buộc phải tìm kiếm những giải pháp bền vững và mang tính dài hạn hơn. Xu hướng phát triển này giúp chủ đầu tư giảm gánh nặng tài chính đồng thời đẩy mạnh quá trình thu hút khách thuê lâu dài. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi bền vững cần mang tính đồng bộ và thống nhất xuyên suốt thị trường.

Chi phí năng lượng tăng tạo bài toán khó cho phát triển trung tâm dữ liệu

Trung tâm dữ liệu là địa điểm tập trung, lưu trữ và xử lý toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp (Ảnh tư liệu minh họa)

Đặt trong bối cảnh tái cấu trúc thương mại năng lượng, chi phí năng lượng toàn cầu đang liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết, chỉ số giá năng lượng đã tăng 26,3% trong 4 tháng đầu năm 2022, và tăng 50% từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2021. Xu hướng này thể hiện rõ sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá than, dầu và khí ga tự nhiên toàn cầu. Điều này đã vô hình trung “đẩy” chi phí vận hành của nhiều lĩnh vực bất động sản, đặc biệt trung tâm dữ liệu. Đây là địa điểm tập trung, lưu trữ và xử lý toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Bởi vậy, để đảm bảo tính ổn định và xuyên suốt khi vận hành, những dự án này thường yêu cầu nguồn năng lượng tiêu thụ khổng lồ.

Theo ghi nhận của Savills, một dự án trung tâm dữ liệu với quy mô khoảng 9,300 m2 sử dụng lượng năng lượng tương đương với 15,000 hộ gia đình. Khi kinh phí năng lượng trên đà tăng cao, chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành các dự án trung tâm dữ liệu, sẽ trực tiếp đối mặt với áp lực tài chính đáng kể. Để giảm tải gánh nặng này, họ sẽ buộc phải san sẻ một phần chi phí với người tiêu dùng cuối cùng hoặc phản ánh sự tăng giá trong các hợp đồng cho thuê hiện hữu của doanh nghiệp.

Thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu hội tụ nhiều động lực để phát triển mạnh trong tương lai. Nhiều quốc gia trên trên thế giới đang tăng tốc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số toàn nền kinh tế. Đây là yếu tố cần thiết nhằm thúc đẩy nguồn cầu của các trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, để tăng trưởng đúng với tiềm năng trong điều kiện chi phí vận hành cao như bây giờ, các trung tâm dữ liệu cần tìm đến những giải pháp bền vững hơn. Trong đó, phát triển xanh là một giải pháp hữu hiệu.

Phân tích của các chuyên gia cũng nêu rõ, định hướng xanh mang lại lợi ích đa chiều dành cho chủ đầu tư cũng như đơn vị quản lý vận hành các dự án trung tâm dữ liệu. Ví dụ bao gồm giảm chi phí năng lượng, hạn chế dấu chân các-bon hay nâng cao hiệu suất vận hành. Đây là những “điểm cộng” giúp tạo sự khác biệt của dự án trên thị trường cũng như thúc đẩy quá trình thu hút khách hàng bao gồm cả nội địa và quốc tế trong dài hạn.

Giải pháp để phát triển bền vững cho thị trường trung tâm dữ liệu

Định hướng phát triển xanh không chỉ nên được lồng ghép tại các dự án mới, mà nên là bước đi chung của toàn bộ thị trường (Ảnh: PV)

Khi phát triển và vận hành một dự án trung tâm dữ liệu, một thông số để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng là Hiệu suất Sử dụng Năng lượng (Power Usage Effectiveness - PUE). Chỉ số này thể hiện tỷ lệ giữa tổng lượng điện năng tiêu thụ của toàn hệ thống và lượng điện năng tiêu thụ của riêng việc xử lý dữ liệu. Một trung tâm dữ liệu hoạt động tối ưu nhất sẽ sở hữu chỉ số PUE = 1. Do đó, chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành cần đưa ra những giải pháp bền vững, hướng đến mục tiêu chung: giảm PUE.

Được biết, nhằm “xanh hóa” quá trình vận hành, nhiều dự án trung tâm dữ liệu trên thế giới đang áp dụng đa dạng công nghệ tân tiến. Ví dụ, hệ thống làm mát đoạn nhiệt tối ưu năng lượng, hệ thống bóng đèn LED hay pin nhiên liệu đã và đang được triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý không khí thông minh và ứng dụng công nghệ Cơ khí và Điện (M&E) hiện đại nhất cũng sẽ tạo bước tiến lớn trong hành trình phát triển bền vững.

Việc lắp đặt thiết bị hiện đại có thể tăng chi phí đầu tư cho nhà phát triển bất động sản. Tuy nhiên, nếu họ sẵn sàng bỏ ra một khoản vốn để triển khai những công nghệ cần thiết, hiệu suất hoạt động tại các trung tâm dữ liệu sẽ được cải thiện. Từ đó, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như đạt được mục tiêu về giảm chỉ số PUE. Tiếp đó, các trung tâm dữ liệu cũng cần đưa ra hướng xử lý cụ thể về nguồn nhiệt hao phí. Khi hoạt động liên tục trong thời gian dài, bản thân hệ thống máy chủ thường phát ra lượng nhiệt lớn. Điều này đặt ra nhiều áp lực tới hệ thống làm mát của trung tâm. Bởi vậy, để tránh trường hợp quá tải, chủ đầu tư cần lắp đặt một hệ thống bài bản và tối ưu năng lượng, hoặc điều hướng nguồn nhiệt này với mục đích khác. Ví dụ có thể kể đến như sưởi ấm hai nhóm “người dung thứ cấp” - tòa nhà văn phòng hay khu dân cư lân cận.

Bên cạnh các ứng dụng công nghệ, nhiều trung tâm dữ liệu cũng đang tận dụng nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, địa nhiệt, gió, mặt trời, thuỷ hay hạt nhân là những nguồn năng lượng phổ biến được phụ tải ngay tại dự án. Tiêu biểu nhất có thể kể đến hệ thống pin mặt trời áp mái. Đây là nguồn năng lượng bền vững, giúp chủ đầu tư tránh phụ thuộc vào nguồn điện năng được cung cấp.

Tuy nhiên, định hướng phát triển xanh không chỉ nên được lồng ghép tại các dự án mới, mà nên là bước đi chung của toàn bộ thị trường. Trong đó phải kể đến những dự án hiện hữu. Đây là nhóm chiếm đa số trên thị trường và sẽ tiếp tục hoạt động trong vòng 10 năm nữa. Bởi vậy, để cải tiến và ứng dụng công nghệ vào những sản phẩm này sẽ là một trong những thách thức lớn để thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu phát triển bền vững.

Nhận định về thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng thị trường này đang đứng trước nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong nước. Tại Việt Nam, thị trường trung tâm dữ liệu dự báo sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm kép 14,6%, đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2025. Điều này đang được đặc biệt đẩy mạnh nhờ vào sự phổ biến của các giải pháp dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing) hay internet vạn vật (Internet of Things). Bởi vậy, trong thời gian tới, nhu cầu về trung tâm dữ liệu trong nước dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt khi Việt Nam hiện đang nằm trong tầm ngắm của các dự án có quy mô siêu lớn.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực