Năm 2022, các huyện, thành phố của Bắc Giang đã đề xuất hơn 100 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Qua 2 đợt, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh Bắc Giang đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 99 sản phẩm (26 sản phẩm đánh giá lại và đánh giá nâng sao) đạt 3 sao trở lên; trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao, 89 sản phẩm đạt 3 sao.
Qua đó nâng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 205 sản phẩm (31 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 174 sản phẩm OCOP 3 sao), tăng 73 sản phẩm so với năm 2021.
Trong đó, tỉnh đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1 sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã Thân Trường, huyện Yên Thế; 1 sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đủ tiêu chuẩn 5 sao đã đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận.
|
Gian hàng trưng bay sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang. (Ảnh .VOV) |
Các sản phẩm được công nhận trong năm 2022 có một số sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: mỳ Chũ; mỳ Châu Sơn; bún Đa Mai;… bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: gà đồi Yên Thế; vải thiều Lục Ngạn; giấm Kim Ngân; trà hoa vàng; rau quả các loại.
Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; VietGAP. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP gặp một số hạn chế như: nhận thức về mục đích, ý nghĩa Chương trình OCOP của một số địa phương, chủ thể sản xuất chưa rõ ràng, chưa nhận thức được trách nhiệm, quyền lợi của đơn vị khi tham gia chương trình OCOP. Số sản phẩm OCOP 2019 đã hết thời gian công nhận (hết 36 tháng) chưa đánh giá lại lớn, trong đó có 17 sản phẩm không có nhu cầu đánh giá lại. Tỉnh chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Cùng đó, phần lớn sản phẩm được sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn ở dạng sơ chế, ít có sản phẩm chế biến sâu.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu hết năm 2023 có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; xây dựng, phát triển ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia (dự kiến vải thiều đóng hộp của Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu). Đồng thời, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hoá địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.
Tỉnh khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.
Cùng đó, Bắc Giang lồng ghép các chương trình, kế hoạch, các cơ chế chính sách để hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ, bao bì, máy móc thiết bị,… để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch.