Theo đó, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh trực tiếp sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ thuộc 6 nhóm sản phẩm (thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch) theo quy định tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025.
Điều kiện hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được cấp có thẩm quyết định công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia đánh giá, phân hạng lần đầu được hỗ trợ 50 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao, 150 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao, 300 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao.
|
Gian hàng trưng bay sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: VOV)
|
Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia đánh giá nâng hạng sao thì trường hợp giữ nguyên hạng sao hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao, 60 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao; trường hợp đạt nâng hạng sao hỗ trợ 150 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao; 300 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao.
Phương thức hỗ trợ là hỗ trợ một lần sau khi sản phẩm được cấp có thẩm quyền cấp quyết định công nhận sản phẩm OCOP.
Ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia đánh giá, phân hạng lần đầu được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao của các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Ngân sách cấp huyện hỗ trợ đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao của các huyện Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang và thành phố Bắc Giang; sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia đánh giá, phân hạng lại giữ nguyên hạng 3 sao tại tất cả các huyện, thành phố.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bắc Giang có 276 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 1 sản phẩm thuộc nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (điểm du lịch sinh thái - văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã (HTX) Thân Trường, huyện Yên Thế); 1 sản phẩm vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân tiềm năng 5 sao và đang được Hội đồng cấp Trung ương tiến hành đánh giá, phân hạng. Về số lượng sản phẩm từng địa phương, tính đến tháng 9/2023, đã có 10/10 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP được công nhận.
Các sản phẩm OCOP được công nhận của tỉnh Bắc Giang phần lớn là các sản phẩm mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: mỳ Chũ; mỳ Châu Sơn; rượu Vân; bún Đa Mai… Bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: gà đồi Yên Thế; vải thiều Lục Ngạn; vải sớm Phúc Hòa; vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo… Các sản phẩm sau khi được xếp hạng đạt chuẩn OCOP phát triển tốt, có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; có trên 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân trên 15%/năm. Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu, hết năm 2025, có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (mỗi năm có khoảng 30-35 sản phẩm), trong đó có khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, xây dựng phát triển thêm từ 1-2 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị, OCOP gắn với vùng nguyên liệu; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống...