Bất động sản công nghiệp Việt Nam trong làn sóng COVID-19

Thứ năm, 26/08/2021 15:13
(ĐCSVN) - Làn sóng COVID-19 thứ tư đang tiếp tục tác động đến tình trạng đóng cửa tạm thời một số nhà máy, làm gián đoạn lưu thông hàng hoá và các chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh này, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực đến từ hoạt động đầu tư nước ngoài và sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ.

Các hoạt động đầu tư tiếp diễn

Trong Quý 2/2021, tại thị trường phía Bắc, một số nhà máy như Foxconn gần đây đã vận hành trở lại sau một thời gian đóng cửa. Tuy vậy, tại phía Nam, một số phân xưởng và bộ phận nhà máy tại các khu công nghiệp vẫn trong tình trạng tạm ngưng hoạt động. Ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết: “Việc đóng cửa các nhà máy sản xuất là một trong những bước giải quyết thận trọng của Việt Nam. Việc này có thể gây ảnh hưởng nhất định đến đà tăng trưởng chung, tuy vậy, với bất động sản công nghiệp, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn dài hạn và tin tưởng vào tiềm năng và động lực tăng trưởng của thị trường. Những yếu tố khiến Việt Nam đang là một trong những thị trường sản xuất và hậu cần mạnh nhất trên thế giới, vẫn ở đó hoặc được cải thiện liên tục như: nền chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, vị trí địa lý phù hợp, lực lượng lao động năng động. Đặc biệt, các Hiệp định Thương mại Tự do có thể được xem là giải pháp lâu dài cho Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển giao kiến thức và công nghệ, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi từ sản xuất các ngành công nghiệp   giá trị thấp và mang tính địa phương sang các ngành có giá trị cao hơn. Ngay cả trong ngắn hạn đến trung hạn, chúng ta vẫn được chứng kiến rất nhiều hoạt động đầu tư lớn về công nghiệp tại Việt Nam”.

 KCN Gia Bình 2, Bắc Ninh (Ảnh: PV)

Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, thị trường hiện vẫn ghi nhận những hoạt động khá tốt, cụ thể: “Tính đến thời điểm ngày 20/6/2021, tổng vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp sản xuất đạt 6,97 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức 8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, vốn sản xuất hiện tại vẫn ở mức 3,38 tỷ USD, cao hơn mức 3,23 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Thị trường cũng đón nhận nhiều khoản đầu tư lớn trong nửa đầu năm. Ví dụ tại miền Bắc, Công ty Jinko Solar Hong Kong đã đầu tư gần 500 triệu USD vào Khu Công Nghiệp Sông Khoai, tại Quảng Yên (Quảng Ninh); hay Fukai Technology của Singapore đầu tư vào Khu Công Nghiệp Quang Châu tại tỉnh Bắc Giang.” 

Miền Bắc tiếp tục thu hút nhà đầu tư

Ông John Campbell đánh giá: “Giá thuê đất trung bình tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai và Long An thường cao hơn các tỉnh tại khu vực kinh tế phía Bắc như Hưng Yên, Bắc Giang hay Bắc Ninh. Trong vòng 3 năm trở lại đây, giá đất tại một số khu vực tại phía Nam đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên, tình hình hiện nay có một sự thay đổi thú vị. Khu vực phía Bắc đã thu hút nhiều khoản đầu tư trong 6 tháng đầu năm, với 5 thương vụ đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực sản xuất đều không ghi nhận vào thị trường phía Nam. Ba trong số năm thương vụ này diễn ra tại thị trường miền Bắc và hai thương vụ còn lại tại miền Trung. Thị trường phía Bắc hiện nhận được nhiều quan tâm từ nhà đầu tư, do đó, chúng ta có thể kỳ vọng vào việc giá thuê đất công nghiệp tại khu vực này cùng một số khu công nghiệp trọng điểm tại phía Nam, sẽ ghi nhận mức tăng nhẹ trở lại vào cuối năm.”

Một số khu vực như Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, là những nơi có tiềm năng phát triển công nghiệp rất lớn. Tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Giang đang ngày trở nên thu hút đối với các hoạt động đầu tư sản xuất cũng như logistics. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang chuyển hướng tới các khu vực khác như Hưng Yên và những tỉnh cũng nổi tiếng về tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất và logistics. “Chúng ta cũng được chứng kiến nhiều khoản đầu tư lớn vào Quảng Ninh cũng như Hải Phòng, bằng chứng là có có rất nhiều hoạt động đầu tư diễn ra tại khu vực này trong thời gian vừa qua”, ông John nhận định. 

Còn tại khu vực phía Nam, Long An hiện nổi lên là một điểm đến thu hút với các nhà đầu tư. Do tỷ lệ lấp đầy cao tại các dự án công nghiệp tại hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nên nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Long An để thành lập các trung tâm phân phối và dự án logistics. Ngoài ra, tiềm năng phát triển của Bà Rịa – Vũng Tàu trong vài năm tới là khá lớn, tỉnh này hiện đã có một số dự án công nghiệp mọt động khá tốt như Khu Công Nghiệp Phú Mỹ. 

Kỳ vọng từ các thay đổi trong chính sách 

Hiện, đang có rất ít các chủ đầu tư phát triển được các khu vực nhà ở - dịch vụ thương mại bên trong các khu công nghiệp, trong khi nhu cầu cho các khu vực này ngày càng gia tăng. Với các hoạt động và nỗ lực nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang mở ra cơ hội phát triển các dự án khu công nghiệp có chất lượng.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng: “Các khu công nghiệp chất lượng cao trên thế giới thường làm tốt khâu quy hoạch tổng thể dự án khu công nghiệp, đảm bảo dự án công nghiệp tích hợp hài hoà các yếu tố nhà ở, bán lẻ, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng khác nhau. Các mô hình này đang hoạt động tốt ở các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Tại Việt Nam, về dài hạn, một khu công nghiệp chất lượng cao sẽ có lợi thế tăng trưởng trong một thị trường sôi động. Việc tích hợp yếu tố nhà ở trong khu công nghiệp không chỉ đơn thuần dừng ở việc có chỗ nghỉ ngơi cho công nhân, mà nên cung cấp các tiện ích về nhà ở chất lượng, bán lẻ, giáo dục, giải trí, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của công nhân, các chuyên gia, khách thuê. Dự án khu công nghiệp từ đó tạo ra sức hút đầu tư, đặc biệt thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp giá trị cao. Việc điều chỉnh trong chính sách vì thế rất được kỳ vọng đem đến các thay đổi tích cực, có thể được xem là một trong những sáng kiến giúp công nghiệp Việt Nam có nhiều dự án bắt kịp với xu hướng đầu tư trên thị trường”.

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực