Bộ Tài chính và ADB tiếp tục tăng cường hợp tác trong huy động, sử dụng vốn ODA

Thứ năm, 09/11/2023 17:15
(ĐCSVN) - Sáng 9/11, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng có buổi làm việc với ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển (ADB) tại Việt Nam. Cùng tham dự buổi tiếp có đại diện Lãnh đạo đơn vị chuyên môn, chuyên gia của hai bên.
 Hình ảnh tại buổi làm việc (Ảnh: HT)

Mở đầu buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng chào mừng ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam và Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Bộ Tài chính. Thứ trưởng bày tỏ lời cảm ơn trân trọng sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của ADB với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính thông qua cung cấp các tư vấn chính sách, nâng cao năng lực cán bộ tài chính và nguồn lực tài chính trong gần 30 năm qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, trong 1-2 năm qua, việc triển khai hoat động tài chính vay nợ giữa Việt Nam và ADB có những bước chậm lại. Đây là xu thế chung trong hoạt động vay vốn ODA, tài trợ nước ngoài của Việt Nam, do nhiều nguyên nhân.

Về nguyên nhân khách quan, bối cảnh thị trường tài chính quốc tế thời gian qua có những biến động phức tạp; các nước phát triển liên tục điều chỉnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, Việt Nam gần như chuyển qua giai đoạn tiếp cận nguồn vốn thả nổi từ các tổ chức quốc tế, đồng nghĩa với việc lãi suất mà Việt Nam phải tiếp cận ở mức tương đối cao, sát với điều kiện thị trường. Thêm vào đó, tỷ giá biến động lớn thời gian qua khiến chi phí vay của Việt Nam tương đối cao.

Về chủ quan, do thủ tục, quy định của Việt Nam và các nhà tài trợ trong đó có ADB có những điểm khác biệt nhất định, để thực hiện các dự án ODA, vừa phải tuân thủ luật pháp Việt Nam vừa phải tuân thủ quy định của các nhà tài trợ khiến dự án sử dụng vốn ODA phức tạp hơn nhiều các dự án sử dụng vốn trong nước; năng lực triển khai dự án tại một số địa phương còn chưa thực sự tốt; quy trình thực hiện đàm phán, phê duyệt chủ trương đầu tư còn phức tạp, tốn thời gian; một số dự án bị điều chỉnh;...

Tại buổi tiếp, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong kiểm soát kinh tế vĩ mô hiệu quả và đạt được những kết quả cụ thể trong bối cảnh kinh tế, tài chính toàn cầu nhiều khó khăn như: Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá là cao nhất trong khu vực ASEAN; lạm phát được kiểm soát tốt; có dư địa về không gian tài khóa; tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam khoảng 38%-39% cho thấy còn dư địa vay nợ…

Ghi nhận những chia sẻ của Thứ trưởng Võ Thành Hưng liên quan đến triển khai các hoạt động tài chính giữa Bộ Tài chính và ADB, ông Shantanu Chakraborty cũng thừa nhận, mức lãi suất cho vay của ADB không phải là mức cạnh tranh đồng thời bày tỏ kỳ vọng các nền kinh tế phát triển sẽ giảm lãi suất để kiểm soát lạm phát, từ đó giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo vị này, tại Việt Nam có những dự án mang tính ưu tiên, trọng điểm quốc gia và việc huy động vốn là cấp thiết, không thể chờ đợi cho đến khi lãi suất giảm. Phía ADB sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam và thực tế đang tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) tìm giải pháp khơi thông những điểm nghẽn, hướng tới mục tiêu hai bên cùng có lợi…

Trước thông tin Chủ tịch ADB – Ngài Masatsugu Asakawa sẽ ghé thăm Việt Nam vào tháng 3/2024 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và ADB, đại diện ADB và Bộ Tài chính cho biết trước mắt sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành các thủ tục ký kết hoặc đàm phán Hiệp định vay cho Dự án CRIEM II (Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số, dự án thành phần Quảng Trị và Phú Yên) trước chuyến thăm của Chủ tịch ADB để thể hiện mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai bên.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, hiện tại, hai tỉnh Quảng Trị và Phú Yên đang trong quá trình hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để ký Biên bản đàm phán. Sau khi hai tỉnh hoàn thành thủ tục này, Bộ Tài chính và ADB sẽ tiếp tục hoàn thiện và ký Biên bản đàm phán chính thức. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Chủ tịch nước phê duyệt việc ký kết Hiệp định vay và viện trợ cho hai Dự án.

Về dài hạn, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn. Đối với các dự án quy mô nhỏ, Việt Nam ưu tiên sử dụng vốn trong nước. Với xuất phát điểm còn thấp, nhu cầu đầu tư hạ tầng cơ sở còn cao, lại phải thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, trong khi vẫn muốn tiếp tục phát triển kinh tế, nhu cầu vốn của Việt Nam là rất lớn, chỉ nguồn vốn trong nước là chưa đủ, cần có sự huy động nguồn lực từ bên ngoài, trong đó có vốn ưu đãi từ phía các tổ chức quốc tế như WB, ADB và trong khu vực. Bên cạnh sự hỗ trợ về vốn ưu đãi, Việt Nam mong muốn ADB tiếp tục quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ cho các cơ quan chuyên môn của Việt Nam.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực