|
Hình ảnh tại buổi làm việc (Ảnh: HP) |
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp ông Tanaka Akihiko và Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Bộ Tài chính, đồng thời khẳng định mối quan hệ ngoại giao bền chặt giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trong 50 năm qua.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ Nhật Bản là đối tác song phương lớn nhất của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua về quan hệ hợp tác vay nợ, viện trợ. Thông qua JICA, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho Việt Nam nhiều khoản vay, trong đó có nhiều khoản vay có giá trị lớn để hỗ trợ Việt Nam xây dựng các công trình trọng điểm. Trong thời gian tới, dự kiến nguồn vốn vay Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù dịch COVID-19 có tác động lớn đến nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam trong thời gian qua, song nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã được kiểm soát thành công. Năm 2022, kinh tế - xã hội Việt Nam có sự phục hồi tích cực, các nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ vững. GDP tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Thu NSNN tăng khoảng 28% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân tăng 3,15% so với bình quân năm 2021. Nợ công giảm từ 41%GDP xuống còn 38%GDP. Bội chi ngân sách dưới 4%. "Năm 2022, chúng tôi đã nỗ lực giảm thuế cho các doanh nghiệp. Tổng số tiền thuế đã miễn, giảm cho các doanh nghiệp khoảng 10 tỷ Đô la Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng đã bố trí khoảng 15 tỷ Đô la Mỹ để thực hiện gói kích cầu, an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số …."- Bộ trưởng cho hay.
Dù vậy, Bộ trưởng cũng nhận định, năm 2023 là năm có nhiều thử thách, đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp bứt phá và phát triển. Những dự án mà JICA đang đầu tư tại Việt Nam đang được nỗ lực thực hiện, hoàn thiện hồ sơ và giải ngân theo đúng lộ trình đã ký kết.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng, ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch JICA cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động lớn đến kinh tế - xã hội toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có sự phát triển kinh tế - xã hội tích cực. Tài chính lành mạnh chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam thời gian qua và trong thời gian tới đây. Chính phủ Nhật Bản đã có ý tưởng “Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trong bối cảnh hiện nay, sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản và Việt Nam là một trong số các trụ cột quan trọng để thực hiện ý tưởng này. Phía JICA đang nỗ lực triển khai các khoản cho vay của Nhật Bản đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực. Chủ tịch JICA cũng bày tỏ mong muốn cùng với Bộ Tài chính ký các thoả thuận vay, công hàm trao đổi đối với một số dự án cụ thể trong năm tài chính này.
Tại buổi tiếp, đại diện hai bên cũng đã trao đổi thông tin, tiến độ thực hiện của một số dự án sử dụng vốn vay của JICA, như: dự án xây dựng tuyến Metro số 1 TP Hồ Chí Minh (tuyến Bến Thành – Suối Tiên); dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương; Dự án Cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại Lâm Đồng; Dự án phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất; vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp tại các dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản; khoản vay hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản trị giá 50 tỷ Yên cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội)…