Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler ​

Thứ tư, 20/03/2024 16:13
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chiều 19/3, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã tiếp ông Philipp Rosler, nguyên Phó Thủ tướng CHLB Đức, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sỹ. Nội dung buổi tiếp xoay quanh các trao đổi về vai trò của tiền số trong nền kinh tế và kinh nghiệm của các nước quản lý tiền số, cũng như các khuyến nghị và định hướng khung chính sách của Việt Nam.
 Hình ảnh tại buổi làm việc (Ảnh: TA)

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và hiện nay là một nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn bé. Vì vậy, Việt Nam phải rất nỗ lực đi nhanh hơn, đi tắt đón đầu để tiệm cận với thế giới. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25%; nợ công từ mức 43% GDP từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến nay chỉ còn 37% GDP; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD.

“Việt Nam là một nước đông dân, tài nguyên thiên nhiên ngày một giảm đi, vì vậy cần phải có sự đột phá kinh tế lớn mới phát triển được đất nước. Chúng tôi đang tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa nền kinh tế đi theo hướng kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế là ba ưu tiên được đặt ra”, Bộ trưởng nói. Bộ trưởng cho biết thêm, vấn đề hội nhập kinh tế được đặt ra một cách ưu tiên nhất. Hiện nay Việt Nam đã ký 19 Hiệp định FTA, tham gia hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Những vấn đề liên quan đến tiền số, tiền ảo, trung tâm tài chính, kinh tế xanh đều được Chính phủ quan tâm.

Hiện nay Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tài sản mã hóa. Bộ trưởng bày tỏ hy vọng với tầm hiểu biết, quan hệ toàn cầu, ông Philipp Rosler sẽ trao đổi kinh nghiệm của các nước liên quan để các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp đối với Việt Nam.

Trao đổi về việc quản lý tài sản ảo, ông Philipp Rosler cho biết, hiện nay nhiều nước đưa ra vấn đề tìm cách quản lý tài sản ảo thay vì cấm đoán và coi đó là một loại tài sản ảo để cất trữ hơn là coi đó là một loại tiền tệ để thanh toán. Vì vậy, họ cũng đưa ra quy định pháp luật để hỗ trợ phát triển, sử dụng, nghiên cứu và lưu trữ tài sản ảo trong các hoạt động của Chính phủ. Vì chấp nhận coi đó là một loại tài sản nên đã đưa các quy định để làm sao bảo quản, sử dụng loại tài sản này để đảm bảo an toàn cho những người sở hữu chúng.

Ông Philipp Rosler cho rằng, xu hướng hiện nay các Chính phủ coi các loại tiền ảo, tiền số như Bitcoin là một dạng tài sản để tích trữ hơn là một phương tiện trung gian thanh toán giống như là một loại tiền tệ tiêu chuẩn. Do đó, ông khuyến nghị Chính phủ Việt Nam thay vì cấm đoán thì nên đưa ra các giải pháp để quản lý các loại tiền số này như một dạng tài sản để tích trữ; đồng thời đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý việc lưu trữ, giao dịch và đảm bảo an toàn cho những người sở hữu tiền số đó để họ coi đó là một dạng tài sản tích trữ thay vì coi nó như một loại tiền tệ thanh toán.

Ông Philipp Rosler cũng khẳng định sẽ sẵn sàng trở thành cầu nối để tổ chức các đoàn công tác trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa Bộ Tài chính Việt Nam và các bên liên quan từ cơ quan quản lý tài sản ảo, đến các doanh nghiệp, công ty số ở một số nước châu Âu nhằm giúp phía Việt Nam xây dựng khung pháp lý quản lý về vấn đề này.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực