Cần Thơ: Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc

Thứ năm, 21/12/2023 16:11
(ĐCSVN) – Đến nay Cần Thơ đã có tất cả 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 100%; 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

UBND thành phố Cần Thơ vừa tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đồng ý công nhận 3 xã Trường Long, Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) và Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ) là xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đó, 3 xã Trường Long, Mỹ Khánh và Đông Hiệp đều cơ bản hoàn thành toàn bộ 8 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Trong đó, xã Trường Long xây dựng nông thôn mới với những mô hình xây dựng tiêu biểu: tưới nước tiết kiệm, phun nước tự động ở ấp Trường Thuận; mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại các hợp tác xã trên địa bàn; mô hình phân loại rác tại nguồn ở hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường…

Mỹ Khánh được biết đến là địa phương phát triển mạnh về du lịch sinh thái với nhiều vườn cây ăn quả phục vụ du lịch. Xã tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu với hình mẫu về “Giao thông gắn với cảnh quan môi trường và phát triển du lịch sinh thái”; đồng thời xây dựng thành công mô hình “Ấp thông minh” tại ấp Mỹ Lộc và “Chợ thông minh 4.0” tại ấp Mỹ Phước.

Xã Trường Thành, huyện Thới Lai, xã nông thôn mới nâng cao. (Ảnh: baoxaydung.com.vn) 

Riêng xã Đông Hiệp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với hình mẫu về “tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” có sản phẩm OCOP, hợp tác xã làm ăn hiệu quả; xã cũng chọn ấp Thới Hữu là "Ấp thông minh".

Đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người/năm của cả 3 xã đạt vượt mức quy định, từ 76 - 77 triệu đồng/người/năm. Các địa phương đều có hợp tác xã làm ăn hiệu quả: hợp tác xã sản xuất lúa, gạo (xã Đông Hiệp); hợp tác xã Giọt Phù Sa, Hợp tác xã du lịch Mỹ Khánh (xã Mỹ Khánh); Hợp tác xã vú sữa (xã Trường Long)...

Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thành phố Cần Thơ đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay Cần Thơ đã có tất cả 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 100%; 26/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi; sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tích cực, đã có sự chuyển dịch tiến bộ trong cơ cấu, sản xuất phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện; hàng năm thu nhập của người dân được nâng cao góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, mạng lưới giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên..., nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự đồng thuận và sáng tạo của người dân tích cực tham gia bằng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, như mô hình “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ; mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch” của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố; phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố…

Đặc biệt, Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố đã thật sự lan tỏa. Chương trình nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và người dân. Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các sở, ban, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ. Bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Sầu riêng Tân Thới, Tranh gạo Cần Thơ, Mắm cá linh Bà Đầm… Các sản phẩm OCOP của thành phố ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thị trường tiêu thụ ngoài những kênh truyền thống, hiện nay các chủ thể có sản phẩm OCOP đã linh hoạt bán hàng trên sàn thương mại điện tử... góp phần gia tăng khối lượng, giá trị và quảng bá thương hiệu của các sản phẩm.

Với những thành quả bước đầu đạt được, TP Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành 36/36 xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Để đạt được mục tiêu, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp TP Cần Thơ phải chủ động triển khai, không được trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh. Tăng cường quán triệt, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện chương trình.

Đặc biệt, khi yêu cầu đặt ra các tiêu chí nông thôn mới ngày càng cao, TP Cần Thơ tập trung huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới; chú trọng việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và mức sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tiếp tục phát huy vai trò tập hợp đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

Các địa phương, đơn vị liên quan cần chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới cả chiều rộng và chiều sâu đến từng hộ dân trên địa bàn. Trọng tâm là xây dựng và tổ chức phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị như: chương trình OCOP, Chương trình tổng thể "Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030"… để phát triển kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Chỉ đạo các địa phương phát triển và nhân rộng mô hình “đường hoa - cây xanh”; nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch; nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại và xử lý phù hợp; tăng cường các hình thức xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động bảo vệ và xử lý môi trường.

Nhận định, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, UBND thành phố Cần Thơ đề nghị các sở, ngành hữu quan phối hợp với UBND các huyện quan tâm hỗ trợ các xã trong quá trình nâng chất các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Các xã đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu cần phải hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí thiếu bền vững (bảo hiểm y tế, tiêu chí giảm nghèo...); quan tâm phát triển sản xuất có hiệu quả, nâng cao đời sống của người dân...

KV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực