Cao Bằng: Đào tạo nghề lao động nông thôn là “chìa khóa” phát triển nông thôn bền vững

Thứ năm, 28/12/2023 10:56
(ĐCSVN) - Việc chăm lo tới công tác đào tạo nghề nông thôn được coi là giải pháp thiết thực và hiệu quả giúp cho lao động nông thông sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo theo hướng bền vững.

Thực tế, đào tạo nghề đã chú trọng gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề đang chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của người lao động, gắn đào tạo với tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong việc hình thành các hình thức sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh

Các học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nguyên Bình thực hành trồng và nhân giống nấm (Ảnh: CB) 

Cao Bằng là một tỉnh miền núi, với các đối tượng tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, do đó, chương trình đào tạo nghề càng cần phù hợp và thiết thực để nhiều học viên sau khi học nghề có thể mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất, áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi từ đó tăng nguồn thu nhập.

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã không ngừng đẩy mạnh công tác dạy nghề, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả tích cực vẫn còn khó khăn, tồn tại đòi hỏi cần có giải pháp thiết thực để thu về hiệu quả cao hơn. Đó là khó khăn về kinh phí khi Hội Nông dân chỉ được cấp một phần kinh phí cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia học nghề cộng với việc phân bổ kinh phí, ký hợp đồng dạy nghề còn chậm. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các hội, đoàn thể trong việc khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của người dân chưa đồng bộ. Đáng chú ý, một số nông dân không “mặn mà” học nghề do nhận thức của nhiều người về tầm quan trọng của công tác dạy nghề còn hạn chế cũng như do chính họ là lao động chính trong gia đình nên thời gian học nghề cũng ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của gia đình. Sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng dạy nghề, các thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tế… cũng là khó khăn với địa phương trong điều kiện hiện nay.

Thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ, cũng tập trung thông tin, tuyên truyền, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề tại các địa phương; huy động sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương; đặc biệt là tuyên truyền về công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp với công tác dạy nghề.

Các ngành, nghề chủ yếu như: sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú y, trồng gừng, nghệ… và đào tạo các ngành, nghề phi nông nghiệp như: sửa chữa xe máy, xây dựng dân dụng… cũng là nhóm nghề được Cao Bằng ưu tiên.

Thêm nữa, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, Cao Bằng còn triển khai nhiều giải pháp: đổi mới chương trình dạy nghề, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy nghề. Mặt khác, địa phương cũng tiến hành rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại từng địa bàn cơ sở đó để có kế hoạch dạy nghề phù hợp. Song song là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình học nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm giới thiệu và giúp học viên tìm kiếm việc làm phù hợp, ổn định sau đào tạo, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, cần phải nhanh chóng thay đổi một cách thực chất về quan niệm về đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn không phải chỉ hướng đến giải quyết lao động dôi dư trong nông nghiệp, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội, mà đây là quá trình tạo ra nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn hiện đại, sản xuất lớn, khoa học công nghệ cao và hội nhập quốc tế.

Cần đa dạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được Cao Bằng triển khai khá tốt.

Buổi học thực hành sửa chữa máy nông nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Uyên (Ảnh: CB) 

Trước hết phải nói đến hỗ trợ về nguồn vốn, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh liên tục triển khai hiệu quả các chương trình cho vay, nhất là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay sản xuất, kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp; giải quyết việc làm; cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi. Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Cao Bằng có dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt tỷ lệ cao; các chương trình cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 55, Nghị quyết 30a được triển khai hiệu quả.

Tiếp đến là cần quan tâm sâu sắc hơn tới việc phát triển và bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Theo thống kê, hiện, toàn tỉnh Cao Bằng có 21 làng với 10 nghề đang hoạt động; không ít làng nghề truyền thống đang dần mai một hoặc hoạt động cầm chừng. Trước thực trạng đó, tỉnh đã quy hoạch rõ điểm nghề, làng nghề, để có chiến lược phát triển phù hợp với từng địa phương đồng thời hỗ trợ đào tạo tay nghề, nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm gắn với thị hiếu người tiêu dùng... Để giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống được tốt hơn, Cao Bằng nên đa dạng các mô hình, các lớp nghề, cần quan tâm hơn tới việc đào tạo và phát triển các nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực