|
Ảnh minh hoạ |
Ngày 26-12, Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP”.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng phương thức truyền thống qua hệ thống các điểm phân phối, hệ thống chuỗi siêu thị và cả phương thức thương mại điện tử.
Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành đều có các điểm phân phối sản phẩm OCOP, ngay tại TP. Hà Nội cũng có tới 89 điểm; tại Quảng Ninh cũng có tới 31 điểm. Những con số về mặt số lượng, chất lượng sản phẩm cũng như hệ thống phân phối đã cho thấy được sự tiếp cận của sản phẩm OCOP gần như phủ khắp trên địa bàn cả nước và đến với người tiêu dùng ở các cấp độ và các phân khúc thị trường khác nhau.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất. Danh mục các sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu…
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm; đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước...
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.
Theo đó, ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) đề xuất các chủ thể OCOP và sản phẩm OCOP nên tập trung vào khâu đóng gói, bao bì mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Đồng thời, tập trung vào chất lượng sản phẩm, chỉ bán ra thị trường những sản phẩm có chất lượng đồng đều. Theo đó, sàn thương mại điện tử Postmart đồng hành cùng chủ thể OCOP cũng như hỗ trợ người tiêu dùng chứng thực sản phẩm chất lượng, giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không gặp phải vấn nạn hàng giả hàng nhái trên thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024.