Để Hà Nội tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước

Thứ sáu, 23/02/2024 19:03
(ĐCSVN) - Muốn phát triển vững mạnh, Thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.

Đây là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng tại Phiên họp thẩm định quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: PV)

Chiều 23/2, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội, Hội đồng thẩm định tiến hành phiên họp thẩm định Quy hoạch TP. Hà Nội, đây là phiên họp thứ 61 của Hội đồng thẩm định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, xác định rõ đây là mới, việc khó nhưng đât cũng là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đến nay, công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản đã hoàn thành; hiện có 60/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác thẩm định, trong đó có 55/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về nội dung quy hoạch, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được phê duyệt đã xác định được lộ trình phát triển, tổ chức được không gian phát triển, hệ thống hạ tầng khung và các chương trình, dự án ưu tiên của cả nước và các địa phương trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch được phê duyệt đã đạt được một số kết quả nổi bật bước đầu, như góp phần tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài (năm 2023, FDI đăng ký của cả đạt khoảng 37 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ), đẩy nhanh việc xây dựng các hạ tầng khung quốc gia, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội -môi trương của cả nước và các địa phương trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

TP. Hà Nội xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn thông qua quy hoạch

Cũng theo đồng chí Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch TP. Hà Nội được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là chúng ta đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025; các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông, điện..). Đặc biệt, có Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua. Đây là căn cứ, là cơ sở để TP. Hà Nội xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn thông qua quy hoạch.

Phân tích về Hà Nội và dự thảo Quy hoạch đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn cả nước về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế, là một động lực phát triển quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và cả nước; là thành phố đông dân thứ 2 cả nước với cơ cấu dân số trẻ có chất lượng cao; ít bị ảnh hưởng của thời tiết cực đoan nhất trong vùng ĐBSH; vị trí đầu mối giao thông thuận lợi về phát triển giao thông đa dạng (đường bộ, sắt, thủy và hàng không) và kết nối với các tỉnh/thành phố của vùng ĐBSH, các tỉnh phía Bắc, cả nước và quốc tế; là địa bàn có nhiều di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng nhất của quốc gia.

 Thủ đô Hà Nội, "đầu não và trái tim của cả nước" (Ảnh: PV)

Xác định rõ điểm mạnh và yếu của thủ đô trong quy hoạch phát triển

Bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết như:

Thứ nhất, vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng ĐBSH. Năm 2022, GRDP Hà Nội chiếm 42,2% vùng ĐBSH; tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 chỉ đạt 6,27% đứng thứ 9/11 trong ĐBSH; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa hình thành rõ rệt được các ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả cao.

Thứ hai, còn nhiều tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (giao thông, điện, năng lượng, thông tin, truyền thông, cấp, thoát, nước, thủy lợi, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội). Ba vấn đề lớn là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt. Các tuyến giao thông thuộc hế thống hạ tầng khung vẫn chưa được hình thành đồng bộ, đặc biệt thiếu các trục xuyên tâm Bắc Nam và Đông Tây. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu sự đồng bộ, liên thông, liên kết, chưa phát huy được tiềm năng.

 Thứ ba, kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh ĐBSH, đặc biệt các tỉnh tiểu vùng phía Nam, còn chưa đồng bộ và chưa phát triển đúng mức. Hà Nội mới phát triển được 02/08 trục hướng tâm đã được xác định trong quy hoạch. Các nút giao thông vào Thủ đô thường xuyên ùn tắc. Là thành phố không có biển, Hà Nội gặp hạn chế trong cạnh tranh về phát triển dịch vụ, logistics, ảnh hưởng đến độ mở nền kinh tế.

Thứ tư, quy mô dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo do tăng dân số cơ học, việc giãn dân khỏi nội đô là không khả thi, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng và chất lượng sống của người dân.

Thứ năm, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, ngòi; có nền địa chất yếu tạo ra thách thức đến sự phát triển các công trình ngầm, nhất là phát triển không gian ngầm.

Muốn phát triển vững mạnh, Thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.

Dịp này, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, nghị, để giúp Thành phố Hà Nội có bản quy hoạch có chất lượng cao nhất, cần tập trung vào các yếu tố chính gồm có:

Về quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch, Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm, mục tiêu của quy hoạch vừa bám sát, phát triển thêm và làm sáng tạo những định hướng quan trọng tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81 của Quốc hội. Các mục tiêu cần bám sát với thực tế, xu hướng phát triển để hướng tới Hà Nội tiếp tục là cực tăng trưởng của cả nước.

Bộ trưởng cũng khẳng định, việc phát triển kinh tế không cần phải tập trung vào nhiều ngành mà tập trung vào một số ngành có yếu tố nổi trội, lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Đơn cử như Hà Nội có thể tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang là xu thế của thế giới và đang có tiềm năng của Hà Nội. Hay là các vấn đề định hướng phát triển các ngành kinh tế công nghiệp xanh, kinh tế số, công nghiệp văn hóa, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị... cũng là thế mạnh, lợi thế của Hà Nội. Song song, xem xét cơ cấu, tỷ trọng phát triển công nghiệp còn khiêm tốn, chiếm khoảng 24%, không tạo động lực cho Hà Nội phát triển; xem xét việc lựa chọn các ngành mũi nhọn phát triển phải dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh và phù hợp thực tiễn và hướng tới tương xứng với các thủ đô các nước xung quanh, mang tầm quốc tế.

Về định hướng tổ chức không gian phát triển của Thủ đô, Bộ trưởng yêu cầu làm rõ (i) 5 trục động lực phát triển, đặc biệt là trục Sông Hồng, với định hướng dịch chuyển các cơ quan hành chính của Hà Nội sang phía bắc sông Hồng; (ii) Việc phân chia và phát triển các tiểu vùng kinh tế đã dựa trên cơ sở mối liên kết, liên hệ theo đặc điểm, địa hình, văn hóa và tính chất phát triển của các lãnh thổ hay chưa (iii) Các khu vực khuyến khích phát triển và các khu vực hạn chế phát triển; (iii) Các cực tăng trưởng giữ vai trò là trung tâm. Đồng thời, cho ý kiến về khả năng kiến tạo không gian sống và làm việc hấp dẫn, thu hút nguồn lực tinh hoa trong và ngoài nước xây dựng và phát triển Thủ đô; xem xét vấn đề liên quan đến không gian cho các cơ quan Trung ương, ngoại giao quốc tế đặt tại Thủ đô. Bên cạnh đó là các vấn đề về phát triển mạnh hơn nữa sản xuất công nghiệp tại khu vực thuộc Hà Tây cũ, tạo điều kiện đẩy nhanh đô thị hóa tại khu vực này, giảm sức ép cho khu vực các quận nội thành hiện hữu.

Bộ trưởng cũng đề nghị xem xét kỹ 02 kịch bản về tổ chức và phát triển không gian: (1) Kịch bản 1, cấu trúc không gian hệ thống đô thị được dựa trên mô hình chùm đô thị đơn tâm; (ii) Kịch bản 2, cấu trúc không gian hệ thống đô thị được dựa trên mô hình hệ thống đô thị đa tâm, trong đó ngoài đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, có thể hình thành 01 đô thị mới, đối trọng, song hành phía Bắc sông Hồng, bao gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh.

Với định phát triển hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô, cần tập trung vào vấn đề phát triển, sử dụng hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông trong đô thị; việc đầu tư sân bay thứ 2 ở khu vực huyện Phú Xuyên – Ứng Hòa; phát triển hạ tầng số, lựa chọn phương thức giao thông hiện đại, thông minh; giải quyết các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường; đặc biệt là ô nhiễm không khí, bụi mịn khi Hà Nội đang thuộc nhóm các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới; vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, làm thế nào để Hà Nội đủ nước sạch phục vụ cho cư dân khi nhu cầu sử dụng nước sạch của cư dân ngày càng tăng.

Liên quan đến định hướng, giải pháp về phát triển văn hóa – xã hội; giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, Bộ trưởng nêu rõ, các vấn đề như thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo và tội phạm các loại; quá tải hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học, các thiết chế văn hoá, các khu vực vui chơi, giải trí,…); sự mai một, sói mòn văn hoá truyền thống, di tích văn hoá, lịch sử… giải quyết như thế nào? Đồng thời Bộ trưởng cũng chỉ ra, tại sao với lợi thế là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao vượt trội so với cả nước nhưng khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội chưa tối ưu (chưa có các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đặt các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, cũng như chưa xác định Hà Nội là Trung tâm phát triển và cung ứng sản phẩm ra thế giới)…

Đặc biệt, tập trung vào giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong đó lưu ý về danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực