|
Tọa đàm “Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI - Tăng hiệu quả tận dụng CPTPP” |
Nội dung trên được công bố tại Tọa đàm “Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI - Tăng hiệu quả tận dụng CPTPP”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 2/12.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin, sau 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP tăng từ 77 tỷ USD năm 2019 lên 95,5 tỷ USD năm 2023. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch đạt hơn 76 tỷ USD và tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, hiệp định này đã thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đánh giá về mức độ gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam bà Nguyễn Thị Lan Phương cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam xuất thô sản phẩm, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài.
Doanh nghiệp muốn đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng tốt hơn nhưng thiếu vốn. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về quản trị để đáp ứng được các FTA, đặc biệt là những FTA thế hệ mới.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long (Tập đoàn CNCTech) cũng cho biết, nhờ liên kết với các doanh nghiệp của Nhật Bản và các tập đoàn đa quốc gia khác, CNCTech Thăng Long phát triển được nguồn nhân lực, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, nâng cao về chất lượng sản phẩm, có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên đây là một trong số không nhiều doanh nghiệp tham gia tốt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI từ các nước CPTPP.
Để gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, các diễn giả tham gia tọa đàm cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi, trước hết từ tư duy, sau đó là phương thức sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, sự thay đổi của doanh nghiệp phải từ cả hai chiều, doanh nghiệp cũng cần được sự dìu dắt của các doanh nghiệp FDI và hỗ trợ từ cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ: Trong thời gian qua, những chương trình phối hợp giữa Toyota với Bộ Công Thương và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã trở thành một điểm nhấn trong sự phát triển của Toyota tại Việt Nam. Quá trình này đã góp phần nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà lắp ráp, sản xuất ôtô. Từ đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Toyota.
Theo đó, tăng cường tỉ lệ nội địa hóa, tìm kiếm nhà cung ứng trong nước. Nhờ giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài, nhà sản xuất có sự chủ động hơn rất nhiều với nguồn cung trong nước. Khi áp dụng Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp có thêm một lựa chọn, thêm cơ hội để cân nhắc những nguồn linh kiện từ Nhật Bản hoặc từ các thành viên khác trong hiệp định. Đặc biệt, khi lộ trình áp dụng của Hiệp định CPTPP đối với ngành ô tô về 0% vào khoảng năm 2030 – 2031 sẽ giúp doanh nghiệp có sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường Việt Nam.
“Sự kết hợp hoàn hảo giữa linh kiện đầu vào cho chế biến, chế tạo tại Việt Nam và xuất đi một thị trường trong CPTPP, giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới cũng như tăng thêm được doanh số. Khi áp dụng Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp có thêm một lựa chọn, thêm cơ hội để cân nhắc những nguồn linh kiện từ Nhật Bản hoặc từ các thành viên khác trong hiệp định…” – Ông Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.