Du lịch là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam
Năm 2024, du lịch là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang có đà tăng trưởng khả quan, góp phần hoàn thành mục tiêu đón trên 17 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024. Đồng thời, năm nay đánh dấu sự trở lại của các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch ở nước ngoài với quy mô, số lượng và tần suất tương đương như trước dịch COVID-19; góp phần thúc đẩy sự hiện diện, nâng cao hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, khai thác và mở rộng thị trường. Đặc biệt, ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại 2 chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc và Trung Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
|
Năm 2025, ngành Du lịch tập trung nguồn lực hướng tới thị trường chiếm tỉ trọng lượng khách lớn, các thị trường tiềm năng. (Ảnh minh họa: HL) |
Với yêu cầu đặt ra là cần đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng, công tác quảng bá xúc tiến du lịch cũng cần được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phân khúc thị trường, quảng bá du lịch trúng đích. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh, năm 2025, kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bao gồm nhiều nhiệm vụ quảng bá xúc tiến và hỗ trợ phát triển du lịch. Trong đó, điểm nhấn sẽ là quảng bá Năm Du lịch Quốc gia 2025 - Huế cùng với hơn 150 sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế/Thành phố Huế và các địa phương sẽ tổ chức triển khai xuyên suốt cả năm. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động quảng bá xúc tiến.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển du lịch mạnh mẽ trong thời gian tới với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn, doanh thu lớn hơn, giảm thiểu tác động về môi trường và bền vững hơn. Để đạt được mục tiêu này, sự kết nối và hợp tác giữa các bên là điều không thể thiếu. Bản chất của ngành du lịch chính là sự liên kết, vì vậy cần phải khắc phục tình trạng mỗi bên hoạt động một cách riêng lẻ, không có sự đồng bộ, mà thay vào đó là tạo ra sự hợp tác hiệu quả, trong đó có hợp tác quảng bá xúc tiến du lịch, cùng chung tay phát triển ngành du lịch một cách toàn diện và bền vững.
Hướng tới các thị trường tiềm năng
Về kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong năm 2025, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, các hoạt động du lịch nội địa sẽ tập trung quảng bá mạnh mẽ Năm Du lịch Quốc gia 2025 - Huế, Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội VITM 2025, Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh ITE HCMC 2025; Triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, chương trình kích cầu du lịch nội địa, các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm; Nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết quảng bá xúc tiến, phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, liên kết giữa các trung tâm du lịch, phân phối khách du lịch với các vùng...
Đối với quảng bá, xúc tiến tại thị trường quốc tế, ngành Du lịch tập trung nguồn lực hướng tới thị trường chiếm tỉ trọng lượng khách lớn, các thị trường tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng như: Các thị trường nói tiếng Trung, Hàn Quốc, Nhật Bản; Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore); Châu Âu (Tây Âu, Đông-Trung Âu, Bắc Âu); Úc, Bắc Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ ưu tiên tham gia hội chợ du lịch quốc tế lớn, uy tín ở khu vực và thế giới, các hội chợ du lịch tại các thị trường trọng điểm, các hội chợ chuyên ngành liên quan du lịch (MICE, golf, du thuyền, đám cưới…); Các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, kết nối doanh nghiệp ở nước ngoài, gắn kết với các lễ hội văn hóa, ẩm thực, điện ảnh…
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, công tác xúc tiến quảng bá luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu tăng cường kết nối lại thị trường, phát triển sản phẩm mới, thu hút khách quay lại. Công tác thống kê, nghiên cứu thị trường luôn được chú trọng, hàng tháng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam luôn xây dựng và đăng tải bản tin phân tích thị trường ngay trong ngày Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố số liệu thống kê về khách quốc tế.
Trong công tác phối hợp, thời gian qua Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thường xuyên phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, mở đường bay mới... Ngoài ra, Cục trưởng cũng cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong tháng 12/2024 sẽ tổ chức 2 hội nghị quan trọng sơ kết, đánh giá kết quả mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt được trong triển khai thực hiện Luật Du lịch 2017 và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó có những đề xuất các cấp xem xét điều chỉnh, ban hành những chính sách, quy định mới phù hợp trong tình hình mới.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, phải tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả cũng như cần đo lường kết quả, tính toán hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong năm 2025. “Công tác quảng bá xúc tiến du lịch thời gian tới một mặt cần lựa chọn thị trường nguồn để phù hợp các điểm đến khác nhau trong nước, mặt khác xây dựng sản phẩm trong nước đáp ứng đúng nhu cầu của khách quốc tế và tạo nguồn cung để kích cầu,” Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh./.