OCOP là chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Tại tỉnh Bạc Liêu, qua 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã khai thác, khơi dậy và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 130 sản phẩm OCOP (33 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao); các sản phẩm rất phong phú và đa dạng.
Thơi gian qua, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối, quảng bá, chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa. Thực tế cũng cho thấy, các sản phẩm nông sản, đặc sản được công nhận sản phẩm OCOP, có khả năng mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất cao hơn hẳn. Ngoài những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP lại được hỗ trợ trưng bày, quảng bá, nên càng được nhiều người biết đến. Theo cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua thống kê cho thấy sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, lượng hàng hóa tiêu thụ gia tăng bình quân từ 10-20% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP.
|
Trưng bày các sản phẩm OCOP của TP. Bạc Liêu. (Ảnh: baobaclieu.vn) |
Ngoài ra, tuy mới triển khai thực hiện vài năm, nhưng chương trình OCOP đã có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bạc Liêu. Sản phẩm OCOP đã thúc đẩy tích cực cho phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Chương trình OCOP đã nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, đặc sản ở nông thôn, góp phần vào công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn. Hiện tỉnh Bạc Liêu cũng đã đưa tiêu chí xây dựng sản phẩm OCOP vào việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Tuy nhiên, thực tế nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa thể hiện rõ nét đặc sắc gắn liền với đặc trưng của địa phương; đa số sản phẩm sản xuất theo phương thức thủ công nên chất lượng, quy cách mẫu mã vẫn còn hạn chế; tính phong phú, đa dạng chưa cao, mà phần lớn tập trung khai thác ở lĩnh vực chế biến thủy hải sản… Nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường, trong khi nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn.
Mặt khác, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở một số địa phương trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao, chính quyền ở một số địa phương còn chậm, chưa xác định rõ được vai trò và vị trí của Chương trình OCOP, dẫn đến quá trình triển khai thiếu sự quan tâm, chỉ đạo; nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện Chương trình OCOP còn có hạn chế nên công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể tham gia chưa hiệu quả.
Do đó, để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu phát triển bền vững, tỉnh Bạc Liêu cần tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt nâng chất lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao. Các sở, ngành xúc tiến thương mại quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm; nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP. Có như vậy, sản phẩm OCOP mới thật sự là lợi thế để phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Đặc biệt là hạn chế thấp nhất tình trạng trùng lặp sản phẩm, cần nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm “mới lạ, độc đáo” để làm tăng giá trị kết tinh vào sản phẩm, giúp sản phẩm cạnh tranh và đứng vững trên thị trường trong thời gian tới.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2023, đơn vị này đã tăng cường tổ chức hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và các chuyến hàng lưu động về nông thôn. Đồng thời Sở phối hợp tham gia hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP, đẩy mạnh kết nối cung-cầu, giao thương hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nhằm tạo ra những kênh tiêu thụ hàng hóa lớn và ổn định; trong đó có các sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, Sở tăng cường xúc tiến thương mại và kết nối cung-cầu sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến...
Thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và chuyển đổi tư duy cho cán bộ quản lý và các chủ thể OCOP về kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn - mẫu mã sản phẩm và sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP. Tiếp đó, quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP phù hợp với từng địa phương, phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu; xây dựng được mã số vùng trồng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, duy trì cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu cần thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý sản phẩm OCOP, đẩy mạnh quá trình số hóa, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu để hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.