|
Giá trị nhập khẩu một số nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng trong 11 tháng năm 2022 (Ảnh minh họa: B.T) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 11/2022, trên thế giới, thị trường ngô và đậu tương kỳ hạn Chicago (Mỹ) có xu thế giảm. Giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2023 phiên 23/11 ở mức 1.436 UScent/giạ, giảm nhẹ 11,6 UScent (tương đương 0,9%) so với một tháng trước. Giá ngô giảm mạnh hơn, với hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2022 cuối phiên 23/11 ở mức 633,2 UScent/giạ, giảm 34,4 UScent (tương đương 5,2%) so với một tháng trước.
Dự trữ đậu tương của Trung Quốc dự báo sẽ thắt chặt hơn do sự chậm trễ của các chuyến hàng từ Mỹ làm gia tăng tình trạng thiếu hụt bột đậu tương - nguyên liệu chính trong thức ăn chăn nuôi.
Tại thị trường trong nước, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại thị trường Hà Nội diễn biến tăng trong tháng 11/2022, trong khi tại Bình Phước có xu hướng ngược lại. Cụ thể, tại Hà Nội, mặt hàng cám gạo và ngô hạt sấy tăng 300 đồng/kg lên các mức tương ứng là 9.500 đồng/kg và 9.800 đồng/kg; ngô bột và đậu tương hạt tăng 200 đồng/kg lên 10.200 đồng/kg và 19.200 đồng/kg. Trái lại, mặt hàng ngô bột và cám gạo tại Bình Phước giảm 1.500 đồng/kg xuống còn 10.500 đồng/kg và 8.500 đồng/kg; ngô hạt sấy giảm 500 đồng/kg còn 10.500 đồng/kg.
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng đậu tương nhập khẩu tháng 11/2022 ước đạt 175 nghìn tấn với giá trị đạt 119,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2022 đạt 1,71 triệu tấn và 1,19 tỷ USD, giảm 5,9% về khối lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Braxin, Hoa Kỳ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 với 96,6% thị phần.
Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu tháng 11/2022 đạt 880 nghìn tấn với giá trị đạt 293,2 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 11 tháng năm 2022 đạt 8,42 triệu tấn và 2,95 tỷ USD, giảm 11,5% về khối lượng nhưng tăng 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn nhập khẩu ngô của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 chủ yếu từ 3 thị trường: Ác-hen-ti-na, Ấn Độ và Braxin, chiếm 81,9% thị phần. So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu ngô trong 10 tháng năm 2022 từ Ác-hen-ti-na tăng 24,3%, Ấn Độ giảm 27% và Braxin giảm 42,6%./.