Giải pháp bảo hiểm rủi ro thiên tai: Hướng đến tăng khả năng phục hồi và ứng phó hiệu quả

Thứ năm, 14/11/2024 16:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trước tình hình thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ thiệt hại, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hướng tới những giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai để tăng cường khả năng phục hồi.
 Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P)

Ngày 14/11, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”. Hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với UNDP tổ chức đã nhấn mạnh nhu cầu xây dựng chính sách tài chính phù hợp, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia như Nhật Bản, Philippines, Colombia và Indonesia, giúp Việt Nam có thêm góc nhìn mới trong quản lý rủi ro thiên tai.

Hội thảo tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thảo luận thực trạng cũng như các giải pháp tài chính cho bảo hiểm rủi ro thiên tai tại Việt Nam, nhằm xây dựng chính sách hiệu quả giúp tăng khả năng ứng phó và phục hồi sau thiên tai.

Theo báo cáo tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 ở Baku, Azerbaijan, tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn 2014-2023 đã lên tới 2.000 tỷ USD, tương đương với thiệt hại do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Gần đây nhất, bão Helene và Milton tại Mỹ (tháng 10/2024) đã gây thiệt hại lên tới 50 tỷ USD mỗi cơn.

Bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai và biến đổi khí hậu, với nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Những thiệt hại này chiếm khoảng 1-1,5% GDP của Việt Nam mỗi năm.

Hiện nay, Việt Nam đã triển khai nhiều nguồn lực tài chính khác nhau để khắc phục hậu quả thiên tai, bao gồm dự phòng ngân sách, bảo hiểm nông nghiệp, tín dụng ngân hàng và các đóng góp tự nguyện. Tuy nhiên, ngân sách địa phương vẫn phụ thuộc vào nguồn bổ sung từ trung ương, trong khi các dữ liệu tài chính về rủi ro thiên tai còn hạn chế, và khả năng đáp ứng nhu cầu tái thiết sau thiên tai chỉ đạt khoảng 21%.

Tại hội thảo, nhiều kinh nghiệm quốc tế đã được chia sẻ. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Đường từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, Indonesia đã xây dựng Chiến lược tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai quốc gia từ năm 2018, hợp tác cùng Ngân hàng Thế giới, thử nghiệm bảo hiểm cho tài sản công. Đây là một công cụ giúp tăng khả năng phục hồi của các chủ thể được bảo hiểm sau thiên tai.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần áp dụng mô hình bảo hiểm thiên tai phù hợp, đồng thời xây dựng khung pháp lý và tài chính rủi ro thiên tai vững chắc, phối hợp giữa khu vực công và tư nhân trong bảo hiểm rủi ro. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan để tăng cường hiệu quả trong việc quản lý rủi ro và ứng phó với thiên tai.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực