|
Quảng Ninh nhiều năm liền đứng đầu về chỉ số PCI trong cả nước. (Ảnh: Theo Báo Quảng Ninh) |
Hội nghị dự kiến có sự tham dự của khoảng 1000 đại biểu, gồm: đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các Đoàn thể tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư; các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp; cùng với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đại diện các cơ quan thông tin, truyền thông trong và ngoài tỉnh.
Bộ chỉ số DDCI Quảng Ninh là một công cụ quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong những năm qua chỉ số DDCI đã cung cấp những thông tin đầu vào quý báu từ những đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành của cấp Sở Ban Ngành và chính quyền địa phương thuộc tỉnh. 2022 là năm đầu tiên DDCI Quảng Ninh đánh giá chuyên sâu ý kiến doanh nghiệp liên quan đến các khía cạnh ứng dụng công nghệ thông tin/chuyển đổi số. Chỉ số DDCI dần khẳng định vai trò là chỉ dẫn tin cậy để tỉnh Quảng Ninh đưa ra những chương trình hành động thiết thực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và đầu tư trên địa bàn.
DDCI Quảng Ninh 2022 dựa trên sự tổng hợp ý kiến của khoảng với 1.707 doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ danh sách khoảng 6.000 doanh nghiệp, trong đó có 610 DN đánh giá khối Địa phương, và 1.097 DN đánh giá khối SBN. Rất nhiều doanh nghiệp tích cực đóng góp ý kiến bổ sung, thể hiện sự tin tưởng vào Hệ thống cơ quan chính quyền và Bộ chỉ số đánh giá DDCI của tỉnh Quảng Ninh. Vai trò giám sát độc lập của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh được phát huy hiệu quả; có sự tham gia giám sát độc lập như kiểm soát số lượng phiếu phát hành, số lượng phiếu thu về; trực tiếp giám sát việc đánh giá, khảo sát tại thực địa; kiểm tra xác nhận tham gia của doanh nghiệp về nội dung trên phiếu trả lời, giám sát công tác nhập liệu, thu phiếu.
Khảo sát DDCI Quảng Ninh 2022 tiếp tục sử dụng câu hỏi mở để tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách của tỉnh, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền thuộc tỉnh nhằm nâng cao chất lượng điều hành, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh gắn với hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Xét về tổng thể, các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh thể hiện thái độ tích cực về hoạt động kinh doanh. Đa số doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã có hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn mặc dù vẫn tiếp tục phải vật lộn với muôn vàn khó khăn trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Năm 2022, các cấp, các ngành, địa phương thuộc Tỉnh bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh để triển khai nhiệm vụ 2022, trong đó tập trung cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh bằng những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để chỉ đạo, điều hành; đồng thời bám sát tình hình thực tiễn để tích cực, chủ động linh hoạt, sáng tạo vừa thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh Covid-19, vừa bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng triển khai, niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền được củng cố; Quảng Ninh giữ vị trí quán quân cả 4 chỉ số: PCI, SIPAS, PAR INDEX và PAPI. Chỉ số PGI của Quảng Ninh cũng giữ vị trí thứ 04/63 tỉnh, thành phố vào năm đầu tiên công bố. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số; chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt, đạt gần 270.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất khu vực phía Bắc), tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 97.766 tỷ đồng, tổng thu NSNN đạt 56.500 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 2.200 đơn vị thành lập mới, số vốn đăng ký đạt hơn 25.000 tỷ đồng.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tổng hợp hiện tại được tính toán từ kết quả 142 chỉ tiêu thuộc 10 chỉ số thành phần phản ánh các khía cạnh về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Dữ liệu các chỉ tiêu này có được thông qua hoạt động khảo sát các doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố kết hợp với hoạt động thu thập dữ liệu do các Bộ, ngành Trung ương công bố.
Theo báo cáo kết quả chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Quảng Ninh giữ vững xếp hạng ở vị trí thứ 01/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm đạt 72,95 điểm (giảm 0,07 điểm so với năm 2021). Với kết quả trên, tỉnh Quảng Ninh duy trì 06 năm liên tiếp xếp thứ 01/63 và 10 năm liên tiếp trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Những năm trước, Lễ công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành, địa phương - DDCI Quảng Ninh và Hội nghị phân tích chuyên sâu PCI Quảng Ninh được tổ chức độc lập. Năm nay, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu chỉ số PCI và công bố kết quả khảo sát DDCI Quảng Ninh 2022 nhằm mục đích phân tích, đánh giá một cách toàn diện và chi tiết mối tương quan chặt chẽ giữa DDCI và PCI trong hành trình cải cách, từ đó giúp các Sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh nhận diện rõ nét những điểm tích cực cần phát huy, những mặt hạn chế cần khắc phục để khẳng định lời hứa của chính quyền tỉnh đối với cộng đồng doanh nghiệp, sự cầu thị lắng nghe và hành động quyết liệt với những giải pháp thiết thực, hiệu quả./.