Trong những năm qua, kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Giang đã có những bước phát triển nhanh, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế liên tục duy trì ở mức cao. Riêng năm 2023, tỉnh Bắc Giang đứng đầu cả nước với mức tăng trưởng 13,45%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng thứ tư cả nước; quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, tiềm lực nền kinh tế ngày càng được tăng cường; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; thu ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng mạnh. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư ngày càng hoàn thiện theo hướng đồng bộ và hiện đại; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới; bộ máy tổ chức ở các cấp từng bước được sắp xếp, củng cố, kiện toàn đạt hiệu lực, hiệu quả; quốc phòng - an ninh được đảm bảo; đời sống nhân dân được cải thiện; hình ảnh, vị thế của tỉnh không ngừng được nâng lên.
Một trong những điểm nổi bật trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bắc Giang thời gian qua chính là sự thay đổi nhanh chóng, rõ nét ở khu vực nông thôn. Đó không chỉ là sự phát triển về kết cấu hạ tầng; sự chuyển đổi về phương thức sản xuất mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân, là nếp sống văn hóa, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, trách nhiệm xã hội trong các cộng đồng dân cư nông thôn... Để đạt được kết quả quan trọng đó chính là tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực, ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp; sản xuất nông nghiệp có nhiều đổi mới, phát triển ổn định, bền vững với nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao. Giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp đến nay đã đạt 138 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đến nay còn 2,63% (trong đó khu vực nông thôn là 2,87%); công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện.
|
Sức sống mới, diện mạo mới trên quê hương Lục Nam. (Ảnh: bacgiang.gov.vn) |
Đến nay, toàn tỉnh có 154 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 84,6%), có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tỷ lệ 32,4%), có 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (tỷ lệ 6,6%); bình quân các xã đã đạt 17,8 tiêu chí/xã (cao hơn bình quân chung của cả nước) và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; có 359 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Với những kết quả đạt được, Bắc Giang đã vươn lên trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới. Trong thành tích chung đó, huyện Lục Nam là huyện miền núi đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và cũng là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Sau gần 13 năm xây dựng nông thôn mới; đến nay, toàn huyện Lục Nam có 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã nông thôn mới nâng cao, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã huy động hơn 1.463 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là cứng hóa, cải tạo, nâng cấp gần 600 km đường giao thông nông thôn. Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học khang trang, rộng rãi. Tại 248/248 thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, sân thể thao diện tích từ 300 m2 trở lên.
Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiệu quả, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Trồng trọt chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Địa phương đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực tập trung theo quy hoạch và theo lợi thế từng vùng. Nhiều nông sản có thương hiệu đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như: Na dai, nhãn muộn, trà hoa vàng, dứa Bảo Sơn...
Xác định công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác, huyện Lục Nam đã điều chỉnh và bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế. Toàn huyện có 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 381 ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng/người/năm. Địa phương không để nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Lục Nam được biết đến với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, là huyện đi đầu trong định hướng, quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung điển hình như: Vùng sản xuất nhãn, vùng sản xuất na dai. Trong phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, Lục Nam cũng triển khai với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm; Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, “đường đi đến đâu dân giàu đến đó”; đặc biệt trong thực hiện Nghị quyết số 07, Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, người dân trong huyện đã đồng tình, tích cực vào cuộc hiến đất, đóng góp sức người, vật chất để sửa chữa, làm mới, nâng cấp trục đường thôn, liên thôn, ngõ xóm, đến nay tổng số km đường giao thông nông thôn được cứng hóa của huyện Lục Nam đạt 78,16%, trong đó đường xã đạt 100%.
Với sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, huyện Lục Nam đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Ngày 11/1/2024, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Lục Nam đạt chuẩn NTM năm 2023 (hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Đại hội). Đây sẽ là bước ngoặt và tiền đề quan trọng để huyện Lục Nam phát triển toàn diện, bền vững.
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; đạt huyện nông thôn mới chỉ là kết quả bước đầu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện và bền vững. Để tiếp tục xây dựng huyện nông thôn mới đạt kết quả cao hơn nữa, đưa Lục Nam ngày càng phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, trong thời gian tới, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lục Nam tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được; khắc phục những mặt còn hạn chế, khó khăn; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2026-2030.
Trong đó, cần tập trung nâng cao các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân như: Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập; xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đảm bảo cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn, tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH cho khu vực nông nghiệp nông thôn, với mục tiêu lấy nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là đột phá và phát triển dịch vụ du lịch là trọng tâm.