Việc mở cửa và kết nối Internet ra toàn cầu là một quyết định dũng cảm, thể hiện tầm nhìn xa của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành Thông tin & Truyền thông nhằm thay đổi toàn diện đời sống, kinh tế và xã hội của Việt Nam. Việt Nam tuy bắt đầu chậm so với tiến trình toàn cầu nhưng sau 25 năm, đã vươn lên bắt kịp và đi cùng các nước trong khu vực và thế giới. Giờ đây, Việt Nam trở thành một nước mạnh về viễn thông – Internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập Internet cao.
Trải qua 25 năm phát triển, Internet Việt Nam đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số, nghĩa là hạ tầng của mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp. Hạ tầng số sẽ bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng Internet kết nối vạn vật, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số; Từ vai trò của Intetnet là công cụ để phát triển kinh tế - xã hội, thì đến nay và giai đoạn tiếp theo, Internet sẽ tạo ra phương thức mới để phát triển kinh tế - xã hội.
|
Internet Việt Nam phát triển ấn tượng sau 25 năm (Ảnh: mtt.vn) |
Cũng trải qua 25 năm phát triển, Internet từ là phương thức để kết nối con người với con người, thì hiện nay và giai đoạn tiếp theo, Internet phát triển thông minh hóa, là phương thức để đồ vật kết nối đồ vật và hơn thế là con người hiểu thế giới đồ vật, đồ vật hiểu đồ vật. Trên môi trường số, thế giới con người và thế giới đồ vật sẽ hoà quyện với nhau.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, vào năm 1997, số người sử dụng Internet tại Việt Nam chỉ hơn 200.000. Đến năm 2002, con số này lên tới 3 triệu người. Đến năm 2007, lượng người dùng đã tăng lên 20 triệu, gấp 7 lần và chiếm 24% dân số cả nước. Đến nay, Việt Nam đã có 72,1 triệu người dùng Internet, xếp thứ 13 thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học.
Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là 94,2 triệu; số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu đạt tỉ lệ 74,3% dân số. Việt Nam hiện có hơn 564.000 tên miền “.vn”, đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, mức độ sử dụng IP (IPv4, IPv6) thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu, tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng IPv6, top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6. Và, rất nhiều các thành tựu khác….
Theo dự đoán, tới 2025 lượng truy cập Internet sẽ là 100% hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; Đến 2030, 100% người sử dụng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); Về trung tâm dữ liệu, Cloud: đến 2025, tiến tới 2 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia sử dụng năng lượng xanh quy mô lớn; tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu vùng; từ 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực; 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng điện toán đám mây Chính phủ; 70% doanh nghiệp Việt Nam dùng Cloud Việt Nam;...
Trong 25 năm qua, sự phát triển của Internet ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Internet đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội và đổi mới. Rõ nét nhất là sự chuyển hóa của xã hội, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên Internet, đem lại sự thay đổi thần tốc trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… Internet hiện nay không chỉ cho mọi người mà còn cho mọi vật, cho mọi lĩnh vực, mọi ngành, của cả kinh tế, xã hội, văn hóa… Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Internet là một trong những thành tố quan trọng nhất để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây thực sự đã trở thành một trong những hạ tầng quan trọng nhất, thiết yếu nhất của nhân loại.