Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An vừa ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Siêu thị Go Vinh và các nhà cung cấp sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), đặc sản của địa phương.
Theo đó, có 10 sản phẩm OCOP và đặc sản Nghệ An được đưa vào hệ thống Siêu thị Go Vinh như: nem hải sản, chả mực, tôm tẩm bột xù; giò chả Thúy Hoàng; tinh bột nghệ Hoàng Mai; ngũ cốc dinh dưỡng; hoa quả sấy; cao dược liệu; nước mắm; tinh dầu răng miệng F&p; sữa rửa mặt tía tô nha đam; trà hoa vàng Pù Huống; hương trầm Qùy Châu; rượu mú từn Pù Huống; cá thu nướng; ruốc bông cá thu; chả cá thu… Các sản phẩm đến từ các địa phương như Thị xã Cửa Lò, Thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, Đô Lương, Nghĩa Đàn...
Theo ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, việc ký kết đưa sản phẩm và đặc sản tỉnh Nghệ An vào hệ thống Siêu thị Go Vinh lần này là thành quả của quá trình cố gắng từ phía chính quyền địa phương, siêu thị Go Vinh và từ phía doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây được xem là tiền đề quan trọng, cơ hội để các doanh nghiệp có thêm đầu ra ổn định, nâng cao thương hiệu OCOP của tỉnh Nghệ An; đồng thời góp phần đưa sản phẩm OCOP từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả và nâng cao giá trị, gắn sản xuất với thị trường.
|
Các sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An. (Ảnh: TTXVN) |
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hướng dẫn, thông tin đến các doanh nghiệp, Hợp tác xã có sản phẩm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thẩm định để nhanh chóng đưa sản phẩm vào bày bán tại trung tâm thương mại, siêu thị.
Sau 4 năm triển khai, chương trình OCOP tại Nghệ An đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Hiện nay, Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao OCOP được công nhận. Toàn tỉnh có 422 sản phẩm được xếp hạng đạt chất lượng OCOP tiêu chuẩn 3 sao trở lên; trong đó có trên 40 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm chất lượng OCOP 5 sao, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước.
Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.
Những năm qua, việc chủ động liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm OCOP được các ban, ngành, địa phương trong tỉnh hết sức quan tâm, nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, đại lý, siêu thị. Qua đó, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà phân phối kết nối cung - cầu nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An.
Song song với đó, tìm kiếm các nhà đầu tư để phát triển, mở rộng sản xuất các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng của tỉnh, từ đó tăng cường năng lực cung cấp sản phẩm của tỉnh Nghệ An cả về số lượng và chất lượng.
Theo đề án, trong giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng tương đương 134 sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm.