Khắc phục nhiều vướng mắc về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Thứ năm, 22/09/2022 16:51
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Ngày 22/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Cục QLBH) tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung Thông tư số 50/2022/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: TP) 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng được triển khai từ năm 2015 theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Xây dựng, Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ (Nghị định số 119) và Thông tư số 329/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng (Thông tư số 329).

Ngày 10/03/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP (Nghị định số 20), trong đó căn cứ quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, giao Bộ Tài chính ban hành quy tắc, điều khoản bảo hiểm, mức phí bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc này. Ngoài ra, sau thời gian thực hiện Thông tư số 329, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có kiến nghị sửa đổi một số nội dung liên quan đến các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng; Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng; Bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường. Do đó, việc xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 329 và bổ sung các nội dung quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là cần thiết.

“Ngày 11/8/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 50/2022/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 và thay thế Thông tư số 329/2016/TT-BTC. Văn bản pháp luật này góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý, đảm bảo Nghị định 20/2022/NĐ-CP kịp thời được triển khai thực hiện trên thực tế và tạo sự thống nhất trong một văn bản hướng dẫn chi tiết về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.” - Ông Nguyễn Quang Huyền đánh giá.

Thông tin thêm tại Hội nghị, ông Huyền cho biết, trước đây, các nội dung về bảo hiểm bắt buộc được thực hiện theo các quy định riêng tại 03 Nghị định (Nghị định về bảo hiểm bắt buộc với chủ xe cơ giới; Nghị định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Nghị định về bảo hiểm bắt buộc về hoạt động đầu tư xây dựng). Tuy nhiên, tới đây, trong quá trình xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, liên quan đến nội dung bảo hiểm bắt buộc, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng một Nghị định hướng dẫn chung về bảo hiểm bắt buộc theo hướng lồng ghép các nội dung quy định về bảo hiểm bắt buộc hiện hành. Đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ và có ý kiến tham gia để Bộ Tài chính (Cục QLBH) tổng hợp, đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định.

Tại Hội nghị, đại diện Cục QLBH đã trình bày một số nội dung cơ bản của Thông tư số 50. Hội nghị cũng dành phần lớn thời gian để trao đổi, thảo luận và làm rõ thêm về các nội dung liên quan đến Thông tư số 50, như: mức khấu trừ; phí bảo hiểm bổ sung cho gia hạn thời hạn bảo hiểm;…

Giới thiệu một số nội dung chủ yếu của Thông tư số 50 tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Chi, Trưởng phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, Thông tư số 50 được xây dựng trên cơ sở rà soát các quy định tại Thông tư số 329 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực tế triển khai. Ngoài ra, Thông tư số 50 cũng bổ sung quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba đã được quy định tại Nghị định số 20 của Chính phủ và giao Bộ Tài chính ban hành quy tắc, điều khoản bảo hiểm, mức phí bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc này.

“Đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng; Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng; Bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường. Đây là 3 loại bảo hiểm bắt buộc đã được quy định tại Thông tư số 329. Thông tư số 50 cơ bản vẫn kế thừa các quy định của Thông tư số 329 và sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung nhằm khắc phục các vướng mắc hiện nay.” – bà Chi cho hay.

Cụ thể, về biểu phí bảo hiểm, Thông tư số 50 bổ sung phí bảo hiểm đối với một số loại công trình xây dựng được quy định tại Phụ lục X Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Thông tư số 50 rà soát, bổ sung biểu phí của một số loại công trình đã được quy định tại Nghị định số 15 (công trình đa năng, công trình hỗn hợp, công trình dân sự…); bỏ phụ phí bảo hiểm với các trường hợp rủi ro bão, lũ lụt, động đất,… để cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động rà soát, đánh giá rủi ro; bổ sung quy định giảm phí tối đa 25% đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng.

Thứ hai, về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, Thông tư số 50 được kết cấu lại theo hướng quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm riêng đối với từng sản phẩm bảo hiểm. Đồng thời, bổ sung các loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thông lệ quốc tế phù hợp với đơn bảo hiểm tiêu chuẩn của các nhà tái bảo hiểm quốc tế đang được các DNBH thực hiện trên thị trường. “Đây là bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của doanh nghiệp bảo hiểm”- bà Chi cho biết.

Thứ ba, về thanh toán phí bảo hiểm, theo bà Chi, trước đây, Thông tư số 329 đã quy định khá chi tiết, tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm cũng như phù hợp với thực tiễn triển khai, Thông tư số 50 bổ sung quy định đặc thù về thanh toán phí đối với các công trình xây dựng có sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm được tự thoả thuận thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, tuy nhiên, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm không chậm hơn thời hạn thoả thuận giải ngân hợp đồng xây dựng và thời hạn hợp đồng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Thông tư số 50 cũng đã bỏ quy định về thanh toán phí bảo hiểm để DNBH thực hiện theo quy định tại Thông tư số 50/2017/TT-BTC về thanh toán phí và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Đề cập đến nội dung bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, bà Chi cho rằng đây là một nội dung mới. Thông tư số 50 quy định cụ thể đối tượng, phạm vi, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; phí bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm. Trong đó, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được quy định theo tập quán quốc tế và phù hợp với đơn tiêu chuẩn của các nhà tái bảo hiểm quốc tế trên thị trường hiện nay. Về phí bảo hiểm, được quy định bằng 5% phí bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng. Căn cứ mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực