Khai mở tiềm năng thị trường vốn Việt Nam

Thứ bảy, 16/12/2023 16:19
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Bà Carolyn Turk- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá tiềm năng mạnh mẽ của thị trường vốn Việt Nam. Theo bà Carolyn Turk, để phát triển thị trường vốn đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan khác nhau. Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cần sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thị trường vốn với cơ quan quản lý ngành ngân hàng do vai trò của các ngân hàng thương mại trong quá trình thanh toán.
 Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TT)

Ngày 15/12/2023, tại thành phố Nha Trang, Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo liên ngành “Khai mở tiềm năng thị trường vốn Việt Nam”.

Cùng tham dự hội thảo, có bà Carolyn Turk- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Zafer Mustafaoglu- Giám đốc Ban Tài chính, Cạnh tranh và Đổi mới- Ngân hàng Thế giới, ông Vũ Như Thăng – Phó Chủ tịch phụ trách UBGSTCQG, ông Nguyễn Hải Nam – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Kinh tế Trung ương và đại diện các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Carolyn Turk- Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá tiềm năng mạnh mẽ của thị trường vốn Việt Nam. Theo bà Carolyn Turk, để phát triển thị trường vốn đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan khác nhau. Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cần sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thị trường vốn với cơ quan quản lý ngành ngân hàng do vai trò của các ngân hàng thương mại trong quá trình thanh toán.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương gửi lời cảm ơn đến Ngân hàng Thế giới đã luôn hỗ trợ UBCKNN đối với các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam trong thời gian qua.

Chủ tịch UBCKNN cho biết, trong bối cảnh thị trường chứng khoán phát triển nhanh chóng hiện nay, sự gia tăng của các hoạt động hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong khuôn khổ Chương trình phát triển thị trường vốn chung (J-CAP) là rất cần thiết. Ngân hàng Thế giới đã đóng vai trò cầu nối giữa UBCKNN và các tổ chức, định chế quốc tế để các bên có cơ hội cùng chia sẻ, cập nhật và trao đổi về sự phát triển thực tiễn của thị trường, cũng như nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế trong các hoạt động, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chủ tịch UBCKNN cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất và chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia từ nhóm Ngân hàng Thế giới. Đây chắc chắn sẽ là một nguồn tham khảo đặc biệt hữu ích, hỗ trợ UBCKNN những công cụ cần thiết để giải quyết những thách thức phía trước.

Tại Hội thảo, ông Ketut Ariadi Kamusa, chuyên gia tài chính cao cấp, Điều phối viên khu vực tài chính của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã trình bày Báo cáo “Khai mở tiềm năng thị trường vốn Việt Nam”. Theo nội dung báo cáo, trong những năm vừa qua, thị trường vốn Việt Nam đã chứng tỏ khả năng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ những điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định. Báo cáo cũng chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện để phát triển thị trường vốn Việt Nam. Trong đó, để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cần có những biện pháp cải thiện các trở ngại hiện nay về ký quỹ và phong tỏa trước chứng khoán trước giao dịch; giới hạn sở hữu nước ngoài và room nước ngoài còn lại; tiếp cận bình đẳng đến thông tin. 

Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận về những phát hiện và khuyến nghị từ báo cáo của J-CAP./.

Hoạt đông hợp tác giữa UBCKNN và NHTG thời gian qua

- Ngân hàng Thế giới, với sự hợp tác với Chính phủ Úc, triển khai Chương trình Phát triển Thị trường vốn chung (J-CAP) về phát triển thị trường vốn cổ phần và vốn nợ ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sáng kiến J-CAP được thành lập vào năm 2017 với mục tiêu hỗ trợ các nước đang phát triển hiện thực hóa các lợi ích khi phát triển mạnh mẽ thị trường vốn trong nước. Trong lĩnh vực chứng khoán, Chương trình J-CAP giúp cải thiện khung pháp lý, hạ tầng thị trường, năng lực của các cơ quan quản lý và phát triển các sản phẩm mới.

- Thông qua Chương trình J-CAP, hàng loạt hỗ trợ trong công tác nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi đã được triển khai, như nghiên cứu đề xuất mô hình giám sát dựa trên rủi ro, nghiên cứu triển khai mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP), tổ chức Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư tại Hồng Kông…

- Ngày 11/11/2022, UBCKNN và Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (thành viên thuộc Nhóm NHTG) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với các nội dung hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và thực thi các tiêu chuẩn phát triển bền vững nhằm giúp thúc đẩy tài chính xanh vì một nền kinh tế carbon thấp tại Việt Nam.


M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực