Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt

Thứ sáu, 15/12/2023 17:30
(ĐCSVN) – Liên quan đến đề xuất cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt-Trại Mát của UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giao Công ty Cổ phần Thương mại-Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng là nhà đầu tư đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (bao gồm tuyến đường sắt Đà Lạt-Trại Mát) bảo đảm theo quy định.
 Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới, được khởi công năm 1908. Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài và độc đáo, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. (Ảnh: Vietnam Plus)

Theo Bộ GTVT, hiện nay, vốn bố trí cho ngành giao thông trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 rất hạn hẹp, khả năng cân đối nguồn vốn khó khăn nên chưa thể đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt Đà Lạt-Trại Mát.

Giai đoạn trước mắt, để bảo đảm an toàn chạy tàu, an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Đà Lạt-Trại Mát, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, cùng với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh Lâm Đồng thực hiện kiểm tra, rà soát những hạng mục hư hỏng để báo cáo bộ xem xét đưa vào kế hoạch sửa chữa định kỳ trong năm 2024 từ nguồn kinh phí chi cho hoạt động kinh tế đường sắt.

Tuyến đường sắt Đà Lạt-Trại Mát được xây dựng từ thời thuộc Pháp, được khôi phục lại từ năm 1991 (gồm 6,7km đường chính; 0,81m đường ga; 9 bộ ghi và 380m cống) là một phần trong dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt.

Kết quả kiểm tra thiết bị định kỳ tháng 10/2023 của Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn và kết quả kiểm tra hiện trường ngày 4/11/2023 về các công trình dự kiến đầu tư sữa chữa định kỳ năm 2024 của đoàn liên ngành cho thấy tuyến đường sắt này đang bị xuống cấp rất nghiêm trọng, một số vị trí bị ngập úng, sạt lở cục bộ, nước thải rác thải làm mất an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng rất lớn đến khách du lịch và nhân dân địa phương.

Trong đó, nhiều đường cong liên tục, toàn bộ các đường cong đều không có ray hộ bánh (trong đó bán kính đường cong nhỏ nhất chỉ có 195m), tuyến đi qua khu vực đồi núi cao, độ dốc dọc tương đối lớn; đặc biệt đoạn dốc trước ga Trại Mát (hướng Đà Lạt-Trại Mát).

Nền đường sắt Đà Lạt-Trại Mát hiện tại rộng trung bình 5m, có nhiều vị trí nền đào sâu và đắp cao. Dọc theo hành lang đường sắt chủ yếu là đồi núi, mỗi khi mưa lớn nước trên sườn đồi chảy xuống nền đường sắt kéo theo đất đá gây ngập đường sắt từ 20-50cm ảnh hưởng rất lớn đến chạy tàu.

Kiến trúc tầng trên tuyến đường sắt Đà Lạt-Trại Mát chủ yếu là ray P26, dài 12m trên tà vẹt bê tông xen lẫn tà vẹt sắt của Pháp đã bị mòn và hư hỏng nhiều; chiều dành đường Ga Trại Mát ngắn không đủ để đón tàu có chiều dài lớn hơn 4 toa xe.

Chưa kể các công trình nhà trạm liên quan như kho hàng, ke ga, nhà chứa đầu máy, toa xe, hầm khám chữa đầu máy đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhằm kịp thời khắc phục sự xuống cấp nêu trên, đảm bảo an toàn chạy tàu, thu hút khách du lịch đến với thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng của tuyến đường sắt Đà lạt-Trại Mát.

Trước đó, Công ty Cổ phần Thương mại-Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã có tờ trình gửi Bộ GTVT đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt đi qua địa phận thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với chiều dài khoảng 83,5km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách (tuyến cũ bao gồm 12 ga, tuyến khôi phục bổ sung 2 ga và 2 trạm khách).

Dự án bao gồm 2 hợp phần, cụ thể: Hợp phần thứ nhất có khối lượng lớn hơn là khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát có chiều dài 76,8km, gồm việc khôi phục, xây dựng mới 64 cầu, 5 hầm, 11 ga, xây dựng toàn bộ kết cấu tầng trên đường sắt.

Hợp phần thứ hai là nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt - đoạn đang khai thác với chiều dài 6,7km, trong đó có việc tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát. Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt có khổ đường 1.000mm, tốc độ thiết kế 30-60 km/h; sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.

Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt có tổng mức đầu tư 24.924 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay, chi phí tài chính); trong đó, 2 khoản chi nặng nhất là chi phí xây dựng là 4.517 tỷ đồng và chi phí thiết bị là 9.246 tỷ đồng.

Nếu tính cả lãi vay và chi phí tài chính, tổng mức đầu tư của dự án lên tới 28.987 tỷ đồng. Do thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, Công ty Cổ phần Thương mại-Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng dự kiến ngân sách Nhà nước tham gia dự án khoảng 2.163 tỷ đồng.

Đối với phần vốn của nhà đầu tư, Công ty Cổ phần Thương mại-Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng dự kiến vay khoảng 22.800 tỷ đồng (trong đó, vay trong nước chiếm 10% với lãi suất 10,4%/năm, vốn vay ngân hàng thương mại nước ngoài chiếm 90% với lãi suất dự kiến 7%).

KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực