|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Nhật Bắc) |
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ với chủ đề “Tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra ngày 26/11 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng điều phối vùng và cơ quan lập quy hoạch vùng, quy hoạch vùng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo xây dựng nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và 16 Quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 22 quy hoạch ngành quốc gia đã và đang được thẩm định, hoàn thiện để trình phê duyệt.
Trên cơ sở quan điểm xây dựng quy hoạch vùng là để chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng; Bộ đã xác định và giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tổ chức không gian phát triển vùng khoa học, hợp lý nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển vùng nhanh và bền vững; là cơ sở để các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Theo đó, trong quá trình lập quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Khung Định hướng quy hoạch từ tháng 12/2021, tổ chức các hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với 06 địa phương trong vùng; làm việc với các đơn vị quản lý chuyên môn của các Bộ, ngành để thống nhất về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; rà soát, tham chiếu với các định hướng lớn quy hoạch của các địa phương trong vùng đã được lập, thẩm định để hoàn thiện dự thảo quy hoạch vùng.
|
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Nhật Bắc) |
Cụ thể, ngày 18/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, 06 địa phương trong vùng và 05 địa phương liền kề. Trên cơ sở tiếp thu hợp lý các ý kiến tham gia, ngày 03/11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 9198/TTr-BKHĐT gửi Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng kèm theo hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tham gia ý kiến thẩm định theo quy định.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội nghị Hội đồng điều phối vùng dịp này là bước tiếp theo rất quan trọng và hết sức cần thiết để cơ quan lập quy hoạch tiếp tục lắng nghe ý kiến tham gia để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng với quan điểm “chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng, hướng tới phát triển vùng nhanh và bền vững” nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” phát triển của vùng trong thời gian vừa qua và đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Từ các ý kiến tâm huyết đối với quy hoạch tập trung vào một số nội dung chính gồm: Quan điểm phát triển và bố trí không gian phát triển; Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; Xác định các ngành có lợi thế; Nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết; Phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng; Giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ một số nội dung chủ yếu của quy hoạch vùng như sau:
Thứ nhất, Quy hoạch vùng đã nhận diện rõ nét vai trò, vị thế của vùng Đông Nam Bộ đối với sự phát triển chung của đất nước; xác định rõ các cơ hội, động lực chủ yếu tạo nên sự phát triển đột phá của vùng trong thời kỳ tiếp theo.
Thứ hai, các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cần phải giải quyết của Quy hoạch vùng đã bám sát Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội và các Nghị quyết khác của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội đối với vùng và các địa phương trong vùng.
Thứ ba, Quy hoạch vùng đã xác định các định hướng về đổi mới mô hình tăng trưởng; các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển như: ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính cùng lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Nhật Bắc) |
Thứ tư, quy hoạch vùng đã định hướng rõ việc tổ chức không gian phát triển gắn với 03 tiểu vùng; 06 hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ; 02 hành lang xanh - sinh thái gắn với các lưu vực sông; vùng động lực quốc gia với Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng; định hướng phát triển và tổ chức không gian các ngành có lợi thế của vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị - nông thôn và các đô thị quan trọng của vùng; xác định không gian phát triển gắn với lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và xử lý các vấn đề môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước mang tính liên tỉnh, liên vùng, Việc bố trí các không gian phát triển nêu trên tạo cơ hội và tiền đề để phát triển vùng nhanh và bền vững gắn với phát huy tối đa lợi thế của các địa phương trong vùng.
Thứ năm, phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng của vùng tập trung vào việc phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường sắt đô thị liên tỉnh, hệ thống cảng biển; hạ tầng thông tin - truyền thông; phát triển các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu du lịch; đề xuất việc phân bố lại không gian sản xuất công nghiệp; phát triển đô thị hiện đại gắn với việc khai thác không gian ngầm tại các đô thị lớn; phát triển dịch vụ logistics, du lịch.
Thứ sáu, quy hoạch vùng đã xác định danh mục dự án quan trọng của vùng; đề xuất, gợi mở các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trên các lĩnh vực trọng tâm như thúc đẩy phát triển hạ tầng và nâng cao hiệu quả phát triển dọc theo các hành lang kinh tế, lưu vực sông.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thay mặt cơ quan lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, rà soát tiếp thu, giải trình toàn bộ ý kiến tham gia của các bộ, ngành và địa phương với tinh thần cầu thị để chỉ đạo sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng với chất lượng cao nhất, để trình Hội đồng thẩm định thông qua, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch theo đúng tiến độ yêu cầu cũng như hoàn thiện quy hoạch.