Lan tỏa từ cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ở Quảng Ninh

Thứ năm, 03/03/2022 18:37
(ĐCSVN) – Thời gian qua, xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan.

Theo đó, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được triển khai thường xuyên, liên tục và quyết liệt. Qua đó, đã góp phần đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật, bứt phá, tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

 Tỉnh Quảng Ninh tập trung cải thiện cả hạ tầng cơ sở để đáp ứng nhu cầu đầu tư khắt khe trong và ngoài nước (Ảnh: PV)

Cụ thể, kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định với đà tăng trưởng hai con số (trung bình giai đoạn 2010 - 2015 tăng 8,87%, giai đoạn 2015 - 2020 tăng 10,7%/năm). Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,28%, đứng thứ 02 toàn quốc. Quy mô của nền kinh tế đạt 238 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 7.614 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.Tốc độ tăng trưởng GRDP từ năm 2016 đến nay luôn đạt trên 10%/năm. Tổng vốn thu hút ngoài ngân sách đạt 361.143 tỷ đồng. Thu hút FDI thế hệ mới có bước đột phá, đạt trên 1,0 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 93.938 tỷ đồng. Đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 16.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký là 295.000 tỷ đồng.

Tại các báo cáo của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 02 (trước đây là Nghị quyết 19), tỉnh Quảng Ninh luôn được đánh giá là địa phương đi đầu và triển khai có hiệu quả Nghị quyết, một điển hình tốt với nhiều sáng kiến cải cách, gắn việc cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Nghị quyết với nâng cao chất lượng quản lý, điều hành. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh được nâng cao, giữ vững 08 năm liên tiếp (2013 - 2020) đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, 04 năm liên tiếp (2017 - 2020) dẫn đầu cả nước về PCI; Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 đến nay.

Để đạt được những kết quả đó, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát Nghị quyết số 02/NQ-CP, các chỉ đạo của Chính phủ và triển khai thực hiện một số giải pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với tình hình của địa phương.

Chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành

Từ đó, tạo sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hàng năm, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ cho năm kế tiếp đều chú trọng, đưa nội dung về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, ngày 09/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 thể hiện ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong quá trình xây dựng chính quyền kiến tạo,“lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ”.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bám sát mục tiêu chỉ đạo tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; đề ra các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đặc biệt, đối với 128 chỉ số thành phần PCI đều được giao cho sở, ban, ngành chủ trì thực hiện để nâng cao trách nhiệm, tạo sự vào cuộc thực chất của từng cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh. 

 Liên tiếp lọt Top các địa phương có tốc độ cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao (Ảnh: PV)

Tiếp tục triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục... có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Chủ động, hỗ trợ, phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông động lực, thúc đẩy liên kết vùng. Hạ tầng giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao… có nhiều cải thiện.

Cải cách hành chính có bước đột phá, phát huy hiệu quả: Tỉnh chỉ đạo rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm 40 - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả” và nâng cao hiệu quả của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 1.370, số TTHC thực hiện quy trình giải quyết theo nguyên tắc 5 tại chỗ là 1.000/1.321, đạt 76%; Đã có 528.715 hồ sơ giải quyết TTHC được cập nhật, chuyển và quản lý trên hệ thống Một cửa điện tử liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99%.

Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch, thuận lợi trong phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng thần tốc các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Hệ thống hạ tầng cung cấp thông tin liên lạc được đảm bảo, thông suốt. Ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND tỉnh ngày 29/10/2021 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đối với các TTHC cấp tỉnh thực hiện tại Trung tâm PVHCC tỉnh, hiện nay đã cung cấp được 1.712/1.831 TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó có 1.387 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 75%), tương ứng với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; cung cấp 1.180 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 75%). Số lượng nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 qua cổng dịch vụ công Quốc gia và cổng dịch vụ công của tỉnh là 253.783 hồ sơ, đạt tỷ lệ 43,8%.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Chủ động, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mạnh dạn thí điểm thành công nhiều mô hình mới; hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra và cơ quan tổ chức - nội vụ cấp huyện; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh;… Đặc biệt, nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm các đầu mối và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA); Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn...

Tỉnh đã chú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hàng năm, dành nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Quy mô nguồn nhân lực năm 2020 khoảng 722.000 người. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, đến hết năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

 Là một trong những địa phương đầu tiên có fanpage DDCI tỉnh (Ảnh chụp màn hình)

Nâng cao tính minh bạch

Xác định xây dựng và công khai quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước thuê các tư vấn hàng đầu quốc tế lập đồng bộ 07 quy hoạch chiến lược (Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; sử dụng đất; môi trường; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; du lịch; khoa học công nghệ) với tầm nhìn dài hạn, khoa học, có chất lượng càng làm tăng giá trị tài sản vô hình và hữu hình của địa phương, tạo cơ hội lớn gia tăng giá trị với các nguồn lực tài chính, tài sản của nhà đầu tư…

Các quy hoạch này đã bám sát không gian phát triển của tỉnh là “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”, bảo đảm tính liên kết để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh và của cả vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Song song với đó, Quảng Ninh cũng thuê đơn vị tư vấn nước ngoài xây dựng quy hoạch tích hợp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, tạo sự minh bạch trong công khai, công bố các quy hoạch theo tiêu chuẩn quốc tế làm cơ sở kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư.

Thực hiện một số cách làm mới trong hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp

Công tác hỗ trợ đầu tư, doanh nghiệp có nhiều đổi mới, hiệu quả và thích ứng nhanh, linh hoạt với các chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 09 nghị quyết, Trong đó: 02 Nghị quyết  về đảm bảo an sinh và ổn định tình hình kinh tế - xã hội; 06 Nghị quyết  về các giải pháp kích cầu du lịch và 01 nghị quyết  về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tỉnh cũng đã thành lập tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa và Trung tâm Chỉ huy, Bộ phận Thường trực của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại trụ sở UBND tỉnh, đứng đầu là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND tỉnh đã kịp thời thông tin, tuyên truyền và ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 15/7/2021 triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn; đáng lưu ý là việc triển khai ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn tại Quyết định số 2313/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 nhằm hỗ trợ nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Tỉnh cũng chủ động xây dựng văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo không gian mở, thân thiện; nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thực tế, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong, mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường” chính bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở (gọi tắt là DDCI Quảng Ninh) thông qua “lá phiếu” điều tra, từ đó tạo được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính quyền và cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong tham gia ý kiến, đánh giá và tiếp thu, điều chỉnh nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành, ngày càng sát hơn với nhu cầu thực tiễn của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Hoạt động xúc tiến đầu tư “tại chỗ” được các cấp, các ngành tập trung triển khai hiệu quả thông qua đẩy mạnh hỗ trợ các dự án đầu tư đang triển khai tại tỉnh: Thường xuyên duy trì kết nối, trao đổi thông tin để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là nâng cao hiệu quả các mô hình tổ công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp như: Thành lập Tổ Công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Tổ Investor Care) để nắm bắt khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ thủ tục về đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng..., hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh; Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban nhân dân tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19... sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp, nhà đầu tư  theo phương thức 24/7.

Đa dạng kênh thông tin trên mạng xã hội để tiếp thu thông tin chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp: là một trong những địa phương đầu tiên có trang fanpage DDCI Quảng Ninh kết nối với fanpage DDCI các địa phương và sở, ban ngành; Thiết lập Trang Zalo Quảng Ninh Investor Care để cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời để tiếp nhận, tương tác và phản hồi các kiến nghị, đề xuất của Doanh nghiệp, Nhà đầu tư.

Với tinh thần cầu thị mong muốn công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng đi vào thực chất và chiều sâu, hướng tới sự phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh hi vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ từ các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương trên cả nước, ý kiến tham vấn từ cộng đồng doanh nghiệp để Quảng Ninh có thêm nhiều giải pháp hiệu quả, các sáng kiến mới nhằm hỗ trợ tối ưu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Quảng Ninh gắn với thương hiệu môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực