|
Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 |
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu ước của liên Bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.
Theo ông Trần Thanh Hải, một số yếu tố đã và đang thúc đẩy sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa như: Kết quả của chủ trương hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
Cùng với đó, Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế. Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, Việt Nam cũng mới nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
Vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực đã gặp những khó khăn trong năm 2023 như EU và Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ, các chỉ số tiêu dùng hồi phục đã trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Liên quan tới hoạt động xuất khẩu thời gian tới, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
Đánh giá về kết quả hoạt động xúc tiến thương mại trong 6 tháng đầu năm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ, công tác xúc tiến thương mại đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp với các thị trường trong và ngoài nước, để hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc khai thác tìm kiếm thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, các hoạt động xúc tiến thương mại đã tập trung tăng cường xúc tiến thương mại khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu của các Vùng kinh tế; Xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới; Phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tư vấn, cung cấp thông tin thị trường cho địa phương, doanh nghiệp.
Ông Vũ Bá Phú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, 06 Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã được thực hiện theo chuyên đề tổng hợp hoặc chuyên sâu theo nhóm thị trường và nhóm ngành hàng xuất khẩu. Các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Việt Nam đã cung cấp chi tiết gần 180 báo cáo về cập nhật thông tin sở tại, cung cấp hơn 25 nội dung tham luận đánh giá thuận lợi, cơ hội, nhận định về những thách thức, rủi ro đối với hoạt động xuất-nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, cập nhật thông tin về những quy định, tình hình cung ứng, biến động thị trường, định hướng xuất khẩu, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực, hữu ích góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, xuất khẩu của Việt Nam.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã cập nhật tình hình xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 và đề xuất kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong 6 tháng cuối năm; đồng thời, đại diện Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm cũng đã có những trao đổi, cập nhật thông tin về chính sách, khuyến nghị đối với hoạt động xúc tiến thương mại 6 tháng cuối năm 2024.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều khởi sắc, mang lại tín hiệu tích cực. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và sự chủ động của các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, qua công tác giao ban có thể thấy các địa phương đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp cũng chủ động trong các vấn đề thương mại, điều này được coi mang tính quyết định, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. 6 tháng cuối năm 2024 cần chú trọng các điểm mới để thúc đẩy thương mại. Trong đó, cần phổ biến thông tin đến doanh nghiệp, địa phương nội dung quan trọng nhất của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt đối với các thị trường quan trọng. Các hoạt động xúc tiến thương mại phải có trọng tâm, trọng điểm, có kế hoạch cụ thể, xúc tiến thương mại không chỉ đối với thị trường nước ngoài mà còn phối hợp với các địa phương, đặc biệt là liên kết vùng, liên kết khu vực và liên kết ngành nghề để đẩy mạnh hoạt động này.
Hiện, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong công tác hội nhập quốc tế nói chung, xúc tiến thương mại nói riêng.