Nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học

Thứ năm, 01/02/2024 14:47
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trên thực tế, bậc tiểu học được coi là bậc học nền tảng của cả hệ thống giáo dục, trong đó lớp 1 chính là phần móng của cái nền tảng ấy. Nền móng chắc thì mới đảm bảo cho phần kiến trúc bên trên được bền vững. Chính vì vậy việc nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học nói chung và ở lớp 1 nói riêng luôn là vấn đề thời sự, nó được các cấp giáo dục từ Trung ương đến cơ sở hết sức quan tâm và đặt lên nhiệm vụ hàng đầu.
Giáo viên Trường tiểu học Hoàng Mai luôn chú trọng tới việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh (Ảnh: Thuỳ Linh)

Dạy thực chất, học thực chất

Quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) dù là quận mới của thành phố Hà Nội nhưng có rất nhiều trường tiểu học với chất lượng đào tạo tốt, được phụ huynh đánh giá cao. Trong những năm qua, giáo dục tiểu học luôn được quận đầu tư kỹ lưỡng, bài bản về cơ sở vật chất để phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, nhất là với cấp giáo dục tiểu học.

Như tại Trường Tiểu học Hoàng Mai, đây là một trong những trường luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn kỹ năng tự học cho các em học sinh. Trong công tác giảng dạy với học sinh nói chung và nhất là với học sinh lớp 1, trường thường xuyên sử dụng các phương tiện, đồ dùng dạy học, đặc biệt là phương tiện đồ dùng dạy học hiện đại, tích cực ứng dụng công nghệ thông trong quá trình giảng dạy nhằm kích thích tư duy và gây hứng thú học tập cho các em học sinh. Các tổ chuyên môn có nhiều đổi mới trong sinh hoạt, tăng cường trao đổi, thảo luận các chủ đề, nội dung giảng dạy. Từ đó, rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 

Theo chia sẻ của cô giáo Phùng Thị Thanh Hoa (Chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Tiểu học Hoàng Mai), trong học kì I năm học 2023-2024 vừa qua, nhà trường cũng như lớp 1A3 luôn quan tâm giáo dục toàn diện. Theo đó đã kết hợp giáo dục kiến thức chuẩn với coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kĩ năng thực hành, kĩ năng sống, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu.

Trong các tiết học, cô Hoa luôn chú trọng tới việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Điều này đã giúp khơi dậy và hun đúc cho mỗi ý tưởng sáng tạo, mỗi khả năng tiềm ẩn của các em, tăng cường khả năng thuyết trình, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm để mỗi học sinh được thành công trong học tập và cuộc sống. Nhờ đó, qua một học kì, đa số các em học sinh đều tiến bộ rõ rệt.

Cùng với đó, tại Trường Tiểu học Hoàng Mai cũng như tại lớp 1A3, việc duy trì và nâng cao chất lượng học thực chất của học sinh với phương châm “học thật, kiểm tra đánh giá thật” luôn được chú trọng. Nhờ đó, việc “dạy thực chất, học thực chất” ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Dạy chữ, rèn người

Song song với việc dạy học văn hoá theo hướng hiện đại, tăng cường tính chủ động sáng tạo và phát huy tính tích cực của học sinh thì việc đổi mới giáo dục nhân cách học sinh theo hướng đó. 

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, Trường Tiểu học Hoàng Mai đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện.

Cô Phùng Thị Thanh Hoa cho biết, nhà trường chú trọng phát huy tính tích cực, năng lực học tập, phương pháp tự học của học sinh thông qua việc tổ chức hướng dẫn của giáo viên; thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt trong các buổi chào cờ đầu tuần, duy trì thường xuyên hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức giáo dục đạo đức cho học sinh theo chủ đề, chủ điểm, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội thông qua hình thức trao đổi trực tiếp, qua các buổi họp phụ huynh, thông qua sổ liên lạc, đồng thời phát huy tính tích cực, tự quản của học sinh.

Từ đầu năm học đến nay, nhà trường luôn khuyến khích học sinh đẩy mạnh việc tự học, tự nghiên cứu bài, học bài và chuẩn bị bài đầy đủ ở nhà trước khi đến lớp. Phát động, khuyến khích học sinh tham gia các sân chơi bổ ích như Cuộc thi thiếu nhi vươn gia thế giới, IKMC, Timo, Asmo…Các lớp thực hiện tốt các nội dung thi đua như văn nghệ, thể thao, trang trí không gian lớp học, chăm sóc công trình măng non, tham gia vệ sinh trường, lớp hàng ngày, hàng tuần theo sự phân công, thực hiện tốt các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp.

Các phong trào đều được sự đón nhận nhiệt tình của học sinh. Các phong trào cũng đã tạo cho các em niềm tin vào sân chơi bổ ích lý thú, từ đó giáo dục thói quen hành vi đạo đức tốt, thu hút các em đến trường, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực