|
Hội thảo “Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương”. (Ảnh: A.N) |
Tiếp theo chuỗi sự kiện nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương, ngày 12/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì Hội thảo “Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương”.
Thời gian qua, Việt Nam đã tận dụng các cơ hội hợp tác từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với các đối tác riêng lẻ như Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, cũng như các FTA đa phương thông qua các tổ chức khu vực như ASEAN hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp trong nước. Một trong những thách thức lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh mặt tích cực của tự do hóa thương mại và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vẫn tồn tại các xu hướng bảo hộ, các xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến.
Trong số các biện pháp bảo hộ đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên WTO sử dụng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philippines… Chỉ riêng trong ASEAN, 4 nước Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan đã điều tra tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam. Còn tại Châu Đại Dương, Úc cũng đã điều tra 19 vụ việc với Việt Nam.
Tại hội thảo, bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại đã trao đổi về tình hình điều tra, áp dụng và kinh nghiệm ứng phó các biện pháp PVTM của các nước thị trường Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương với Việt Nam và một số khuyến nghị cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội – với vai trò là các bên liên quan trong vụ việc phòng vệ thương mại. Cụ thể, bà Linh cung cấp số liệu chi tiết mô tả tình hình điều tra áp dụng các biện pháp PVTM ở nhiều góc độ khác nhau như loại hình vụ việc, sản phẩm bị điều tra, các nước thường xuyên điều tra hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...; phân tích nguyên nhân và bản chất của việc điều tra áp dụng các biện pháp PVTM; các hoạt động cụ thể được Bộ Công Thương thực hiện đề điều hành vĩ mô cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM cụ thể, vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan góp phần tác động tích cực tới kết quả vụ việc PVTM.
Bà Linh cũng đưa ra khuyến nghị chi tiết cho từng đối tượng liên quan như cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trực tiếp tới các vụ việc PVTM của nước ngoài; vai trò của luật sư, tư vấn và các bên liên quan khác để bảo vệ và thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài một cách bền vững.
Về vấn đề này, đại diện cho Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Minh Kế cũng chia sẻ kiến thức PVTM của Hiệp hội thông qua thực tiễn xử lý nhiều vụ việc PVTM cả ở trong nước và nước ngoài. Qua đó, Hiệp hội Nhôm và các doanh nghiệp nhận thấy rõ tầm quan trọng của lĩnh vực này và hiệu quả tích cực khi các doanh nghiệp trong ngành cùng nhau đoàn kết, tận dụng hiệu quả biện pháp PVTM để đối phó với hàng hóa bán phá giá của nước ngoài hoặc tiếp tục bảo vệ thành công thị trường xuất khẩu khi bị nước ngoài điều tra PVTM. Ông Kế cũng gửi lời cám ơn tới Lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục PVTM và các đơn vị liên quan đã hỗ trợ Hiệp hội, doanh nghiệp nhôm đạt được những kết quả rất tích cực trong năm 2024, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, xuất khẩu trong các năm sắp tới.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang nhóm thị trường tiềm năng này; tăng cường hiệu quả công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường tuyên truyền đào tạo nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
Về phía doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu và nâng cao nhận thức, kỹ năng để kịp thời ứng phó khi phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại. Mặt khác, doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước và theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương, chuẩn bị nguồn lực để kháng kiện trong trường hợp phát sinh.