Ngành chăn nuôi chủ động để hội nhập trước tác động của EVFTA

Thứ tư, 29/06/2016 15:14
(ĐCSVN) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam tham gia EVFTA, ngành chăn nuôi được dự báo sẽ là ngành chịu nhiều sức ép cạnh tranh lớn, nhất là chăn nuôi lợn. TS. Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam Trúc đã có một số chia sẻ về những các giải pháp để chủ động hội nhập của ngành chăn nuôi.


Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)
Thị trường EU nhiều tiềm năng và cơ hội


Theo TS. Đòan Xuân Trúc, tương tự như các ngành sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tham gia Hiệp định thương mại thế hệ mới EVFTA, ngành chăn nuôi có được những cơ hội quý giá như: tiếp cận nhanh với các tiến bộ kỹ thuật mới, khoa học công nghệ mới và cách tổ chức sản xuất tiên tiến do các nước khối EU có nền chăn nuôi công nghiệp, hiện đại, tiên tiến hơn hẳn nước ta. 

Đặc biệt, ngành chăn nuôi sẽ thu hút được các nhà đầu tư mới, phát triển chăn nuôi theo công nghệ cao với cùng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả và sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư từ EU vào lĩnh vực chế biến, tạo sản phẩm cao cấp, giá trị gia tăng cao. Trước mắt, cơ hội lại đến từ chính nội tại, đó là áp lực buộc ngành chăn nuôi phải kiên quyết tổ chức lại sản xuất, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị. Bản thân những người trong ngành cần  đổi mới tư duy, tiếp cận tư duy của hội nhập và chấp nhận cạnh tranh, tư duy sản xuất theo chuỗi, kể cả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ hội nội tại này rất quan trọng và cũng lại là thách thức mà trong thời gian vàng khoảng 7 đến 10 năm tới đây chúng ta phải vượt qua để không bị thua trên sân nhà. Trong quá trình củng cố và phát triển, ngành chăn nuôi cần tận dụng trước mọi lợi thế do các cam kết xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm, công nghệ mà Việt Nam đang nhập khẩu từ các nước EU như con giống lợn, gà, vịt, bò sữa; một số nguyên liệu và thức ăn bổ sung, nhiều loại vacxin và thuốc thú y; các trang thiết bị chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, ấp trứng, máy móc, dây chuyền sản xuất thuốc thú y, chế biến thức ăn,  giết mổ và chế biến thịt, sữa… qua đó, góp phần tiếp cận công nghệ cao và giảm chi phí đầu vào. 

Cam kết của EU về xóa bỏ thuế ngay cho mặt hàng mật ong từ khi EVFTA có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan sẽ là cơ hội hội lớn cho ngành nuôi ong xuất khẩu mật ong nguyên chất của Việt Nam mà lâu nay thị trường EU đang chiếm trên 80% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Về lâu dài, hợp tác với EU trong lĩnh vực chế biến sẽ tạo cơ hội để ngành chăn nuôi có thể xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có lợi thế (như thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt, sữa) vào các thị trường có giá trị gia tăng cao hơn.


Nhưng cũng nhiều thách thức…

Tuy nhiên, TS Trúc cho rằng, cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu chúng ta không biết tận dụng để biến thành lợi ích. Bên cạnh đó thách thức thì rất gay gắt và gây áp lực ngay từ khi các FTA nói chung và EVFTA nói riêng có hiệu lực do khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam rất thấp. 

Cụ thể, giá thành sản phẩm chăn nuôi của ta đang cao: cao hơn khoảng 25-30% so với các nước thuộc khối EU. Nguyên nhân chủ yếu do: sản xuất nhỏ, manh mún, giống vật nuôi cho sản xuất chưa đảm bảo, năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động rất thấp, chi phí đầu vào cao do phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu (dù xóa bỏ thuế nhưng vẫn phải chịu chi phí vận chuyển, kiểm dịch). Chi phí phòng chống dịch bênh khá cao trong khi các khoản phí và lệ phí còn chồng chéo. Sản xuất- tiêu thụ chưa theo chuỗi nên phí trung gian nhiều. Cơ chế tín dụng đối với ngành chăn nuôi chưa hợp lý như khó tiếp cận vốn vay, lãi suất ngân hàng cao hơn khá nhiều so với nhóm các nước phát triển trong AEC, trong EVFTA, trong TPP…

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm còn kém. Nguyên nhân do môi trường chăn nuôi đang bị ô nhiễm, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở khu vực chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ, lò mổ thủ công không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y vẫn còn quá nhiều, còn nhiều nông hộ, trang trại chưa thực hành chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP và đảm bảo an toàn sinh học. Hoạt động kiểm soát sản phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch còn quá sơ hở, chưa tận dụng các quy định về phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật (SPS, TBT) đối với sản phẩm nhập khẩu đông lạnh. Nhưng nguy hại hơn là tình trạng sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang tràn lan. Điều đó gây ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng và đang đẩy người tiêu dùng trong nước xa dần với sản phẩm vốn là tươi, ngon, đậm đà hương vị được sản xuất tại chỗ và buộc họ tiếp cận nhanh hơn với việc tiêu thụ sản phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Hai thách thức này đang làm cho khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi nước ta khá thấp so với rất nhiều nước tham gia EVFTA. Xóa bỏ thuế quan sẽ tạo cơ hội để thịt lợn đông lạnh, các sản phẩm từ thịt, sữa … nhập vào nước ta. 

Ngoài ra, có quá ít trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi quá thấp. Tổ chức sản xuất - tiêu thụ lại chưa theo chuỗi liên kết giá trị, việc xây dựng  thương hiệu và công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm.

Doanh nghiệp trang trại chăn nuôi chưa chủ động tìm hiểu và hội nhập kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp còn mơ hồ về AEC, về EVFTA, TPP và các FTA khác còn khá cao, nên rất thiếu chủ động khi tham gia hội nhập….

Giải pháp nào cho ngành chăn nuôi.

TS. Trúc đã chỉ ra một số giải pháp mang tính cấp thiết. Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, như chọn giống vẩt nuôi, quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, không sử dụng chất cấm và lạm dụng chất kháng sinh, xây dựng các hàng rào kỹ thuật còn một số giải pháp liên quan đến tổ chức sản xuất.

Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành chăn nuôi ở các địa phương theo hướng phát triển các sản phẩm có lợi thế từng vùng, tập trung nâng cao năng suất, hạ giá thành và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững.

Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi: các doanh nghiệp lớn giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ, các trang trại và các hợp tác xã, nông hộ chăn nuôi. Chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại phải nâng dần quy mô và chịu sự kiểm soát an toàn dịch bệnh, phải tham gia vào các hợp tác xã chăn nuôi,  các chuỗi liên kết giá trị. Sản xuất theo chuỗi sẽ góp phần giảm 12-15% giá thành sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và dễ tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm có lợi thế.

Trung ương và địa phương cùng doanh nghiệp cần có chương trình xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi có lợi thế.

Ngoài TS. Trúc cũng đề cập đến giải pháp liên quan tới cải cách thể chế. Cụ thể, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương cùng với  sự nhanh chóng đổi mới tư duy và hành động của doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi. Ngành chăn nuôi rất cần các cơ chế chính sách có tính chất đặc thù trong giai đoạn 10 năm trước mắt. Như, cần có cơ chế tín dụng hợp lý cho ngành chăn nuôi trong vòng ít nhất 10 năm tới: lãi suất vay ưu đãi, cơ chế tiếp cận vốn vay thuận lợi, miễn giảm thuế thu nhập trong thời gian đầu của hội nhập đối với các hoạt động như: chọn lọc, sản xuất con giống; giết mổ, chế biến sản phẩm, xử lý môi trường, đầu tư công nghệ cao; cần xóa bỏ ngay các khoản phí lệ phí chồng chéo...

Các chính sách khuyến khích tổ chức sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi gía trị, chăn nuôi theo ViệtGAHP, an toàn sinh học; hình thành các Hợp tác xã và Tổ hợp tác chăn nuôi kiểu mới.../.

Minh Phương (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực