Năm 2023, ngành dệt may vừa trải qua những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm; nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU… suy giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu; trong đó có dệt may. Cùng với đơn giá giảm sâu, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp.
Khó khăn như vậy nhưng ước tính chung cả năm 2023, danh mục thị trường và sản phẩm xuất khẩu đều mở rộng, với 104 thị trường và hơn với 36 mặt hàng may mặc. Kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 8,9% so với năm trước (khoảng 3,1 tỷ USD), xuất khẩu vải ước giảm 6,9% (186 triệu USD), xuất khẩu sơ sợi ước giảm 10,3% (485 triệu USD), xuất khẩu nguyên phụ liệu ước giảm 16% (218 triệu USD). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh, như đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em… Các thị trường lớn nhất của ngành Dệt May Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Anh 504…
|
Ngành dệt may nổ lực vượt khó để duy trì đơn hàng. (Ảnh: daidoanket.vn) |
Các doanh nghiệp trong hệ thống của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã nỗ lực, bảo toàn lao động, giữ thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, giữ khách hàng và thị trường. Năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch. Đặc biệt, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 62.000 người lao động cấp 1 thông qua việc giảm lợi nhuận để duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, nhưng số giờ làm giảm xuống 15% (cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước nhận được năm 2023 (khoảng 8,5 triệu đồng/người).
Để đạt được những kết quả trên, cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đáp ứng chuẩn mực trong các điều khoản hợp đồng thương mại, tích cực thực hiện xanh hóa, đầu tư hạ tầng cơ sở giảm phát thải nhà kính, chuyển đổi nồi hơi nước bằng điện thay cho đốt than, củi, chuyển đổi số, tạo minh bạch trong sản xuất kinh doanh. Đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp buộc các doanh nghiệp phải tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu như châu Phi, Nga, Ấn Độ… nhất là thông qua cộng đồng người Việt ở các quốc gia này.
Năm 2024, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 1/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…
Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.
Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do. Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.
Nhằm đạt được mục tiêu của năm 2024, ngành dệt may Việt Nam tập trung vào một số nhiệm vụ trong tâm như: kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới; mục tiêu chiến lược là dệt may Việt Nam là điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh; thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG); thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định.
Ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may… Bối cảnh mới đòi hỏi ngành dệt may thích ứng nhanh luật chơi toàn cầu của các nhãn hàng, chủ động nền công nghiệp thời trang; kiên trì công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ; giảm phát thải nhà kính, đầu tư sâu vào hệ thống nồi hơi đốt bằng điện, giảm dần nồi hơi đốt bằng nhiên liệu hóa thạch; tăng đầu tư vào quản trị số, kiểm soát thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, thực hiện công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao và tập trung giải pháp phát triển công nghiệp thời trang.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng, đa dạng hóa mặt hàng; tăng kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao lưu, quảng bá hình ảnh…
Đặc biệt, cần tập trung cho giải pháp tạo nền phát triển công nghiệp thời trang, lấy TP Hồ Chí Minh và Hà Nội làm trung tâm công nghiệp thời trang; quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn về môi trường để thu hút đầu tư trong ngành vải, kéo sợi…; định hình chiến lược cho một số nhãn hiệu Việt Nam không chỉ làm chủ ở Việt Nam, mà còn đưa ra thị trường thế giới; xây dựng nguồn lực về phát triển mẫu, thiết kế 3D, công nghệ quản trị số. Cộng đồng doanh nghiệp cần tuân thủ và thích ứng nhanh với luật chơi toàn cầu, yêu cầu mới từ các nhãn hàng; xây dựng nền tảng liên kết chuỗi chặt chẽ, chủ động mẫu mã và tiếp tục củng cố công nghệ, quản trị số để thích ứng nhanh, minh bạch với các nhãn hàng chủ động hơn về phát triển ý tưởng, mẫu mã, chủ động nguyên liệu đầu vào trong sản xuất. Từ đó mới khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do…