|
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững sẽ giúp cho người nông dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ. |
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững sẽ giúp cho người nông dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ, nền kinh tế sẽ phát triển có tính ổn định và bền vững. Đây có thể xem là định hướng giải quyết được bài toán phát triển kinh tế phù hợp với thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử phát triển nền sinh thái nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới. Đa dạng sinh học, đa dạng địa hình, đa dạng tài nguyên là điều kiện cho việc phát triển và tồn tại bền vững cho hệ sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo. Đó chính là điều cốt lõi để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch ở một nước nông nghiệp như Việt Nam.
Sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang tiến hành sâu rộng theo chủ trương xây dựng nông thôn mới sẽ tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp. Các làng nghề nông - lâm - ngư nghiệp truyền thống ở nước ta sẽ là động lực thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, đồng thời cũng là thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững. Điều này, không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù. Hầu như địa phương nào ở nước ta cũng có các làng nông nghiệp truyền thống với không gian làng xã sinh động và các cảnh quan đồng quê đẹp trữ tình có tiềm năng trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
|
Du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, vừa có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan làng quê, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. |
Thực tế đã cho thấy, du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, vừa có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan làng quê, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương, tăng thu nhập cho người nông dân ngay trên chính mảnh đất quê hương của họ, tạo ra sản phẩm du lịch khác lạ, độc đáo hấp dẫn có sức cạnh tranh lớn.
Hiện nay, lượng khách quan tâm tới du lịch nông nghiệp ngày càng lớn vì đa số rất quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp gắn với làng xã, thôn bản. Một không gian sống rất thực sự thoáng đạt hòa mình với thiên nhiên, mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau. Nội dung của sản phẩm du lịch nông nghiệp rất phong phú làm nguồn gốc để phát triển các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch nâng cao sức khỏe không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em, du lịch học đường, du lịch chuyên đề, du lịch trải nghiệm… Du lịch nông nghiệp luôn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ mà gần gũi không bao giờ nhàm chán.
Phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Để thực hiện tốt điều này, các địa phương cần tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương. Bên cạnh đó các địa phương cần đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Cần xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; cần đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Đặc biệt các địa phương cần đổi mới và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du lịch.