Như chỉ đạo của Chính phủ tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam diễn ra ngày 6/2/2017 vừa qua do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì, thị trường tôm ở Việt Nam rất lớn với nhu cầu cao. Vì thế, việc phát triển ngành tôm mang lại giá trị lớn cho người nuôi tôm mà quan trọng hơn cả là xây dựng thương hiệu tôm Việt với mục tiêu đạt 10% GDP; chậm nhất đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là hết sức cấp thiết.
Cơ hội nào cho ngành tôm Việt Nam?
Tôm đã qua chế biến phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm (Ảnh: Hồng Nguyễn)
2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành Nông nghiệp, nuôi tôm do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại lên đến 188.000 ha, trong đó Cà Mau 155.890 ha, Kiên Giang 13.800 ha và Bạc Liêu 18.448 ha.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám đánh giá: “Con tôm là sản phẩm có giá trị, được ngành Nông nghiệp chọn là một trong các đối tượng chủ lực mang tính đột phá trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm hoặc nhiều khu vực phải chuyển đổi sang nuôi tôm để thích ứng. Diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000-1.000.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Diện tích nuôi và sản lượng tôm sú nước ta hiện chiếm tỉ lệ cao trên thế giới, tương ứng với 30%-38%. Đây là loài có giá trị thương mại lớn, thị trường ổn định và khả năng cạnh tranh cao”.
Do đó, Bộ NN&PTNT xác định ngành tôm có tiềm năng lợi thế, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường theo hướng: Công nghệ cao, thân thiện với môi trường; hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp; phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững, như: tôm rừng, tôm lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái. Phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỉ USD, đến năm 2030 đạt 8-10 tỉ USD.
Theo Bộ NN&PTNT, cần yêu cầu phải tổ chức lại sản xuất, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. Trong đó, việc tăng cường hợp tác và liên kết trong sản xuất; hình thành các HTX, tổ hợp tác và các mô hình liên kết theo chuỗi là đặc biệt quan trọng. Phải tăng cường đầu tư nghiên cứu chọn tạo, sản xuất tôm giống chất lượng cao theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh cho vùng nuôi thâm canh. Phấn đấu đến năm 2020, trên 50% tôm bố mẹ sản xuất trong nước và đến năm 2025 là 100%. Đồng thời, áp dụng các mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới; ứng dụng chế phẩm sinh học thay thế các loại hóa chất, thuốc kháng sinh và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để giảm giá thành sản phẩm.
Chấp nhận thách thức để vượt lên
Tôm có nhiều lợi thế để phát triển ở Việt Nam (Ảnh: B.T)
Để đạt được mục tiêu Việt Nam mà trước hết là ĐBSCL phải là thủ phủ tôm của thế giới, phấn đấu trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, cần sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần trình Chính phủ chương trình hành động phát triển ngành tôm Việt Nam; chủ trì phát triển sản xuất, hướng dẫn sản xuất, tạo mối liên kết, kiểm soát chặt chẽ vật tư… Bộ Khoa học và Công nghệ phải xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Bộ Công Thương tổ chức thông tin thị trường, đấu tranh tháo gỡ rào cản kỹ thuật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các nguồn vốn, kể cả vốn ODA, nhanh chóng thẩm định các dự án để phát triển ngành tôm. Bộ Tài chính phối hợp Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai bảo hiểm thủy sản. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cho người nuôi tôm vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng ao đầm nuôi tôm. Điện lực phải chủ động đủ nguồn lực cung cấp điện cho nuôi tôm. Bộ Công an và Bộ NN&PTNT kiểm soát lưu thông con giống, thú y thủy sản, ngăn chặn hiệu quả tình trạng bơm chích tạp chất...
Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu đề ra có thể là cao, nhưng nếu như có những biện pháp tổ chức và chính sách đúng đắn, hoàn toàn có thể khả thi. Đặc biệt phải hết sức quyết liệt “tuyên chiến” với những hành vi bơm chì, hóa chất, tạp chất vào tôm để trục lợi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng thực hiện những cải tiến mà trước hết là phải cải tiến mạnh mẽ phương thức nuôi tôm, xem xét mô hình nuôi tôm như thế nào cho phù hợp.
Về mặt chính sách, Chính phủ sẽ nới rộng hạn miền, tức giới hạn tối đa mà doanh nghiệp có thể có để nuôi tôm, để không có hạn chế về mặt pháp lý đối với những doanh nghiệp kinh doanh lớn.
Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn xuất khẩu tôm đông lạnh, tức ở dạng thô. Việt Nam có thể tiến tới xuất khẩu tôm dưới dạng chế biến sâu hơn như: Tôm bao bột, tôm tempura, để xuất khẩu sang các thị trường khác; triển khai một số việc như: Đăng ký nhãn hiệu, thiết lập các chuỗi giá trị, liên kết với các nhà nhập khẩu tôm trên thế giới…
Nhận định về cơ hội và thách thức trong phát triển ngành tôm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đối diện 3 thách thức là: Sản xuất hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Thực tiễn cho thấy, con tôm là đối tượng sản xuất hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỉ USD, 700.000ha nuôi tôm như hiện nay mà còn cao hơn nhiều. Điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, đặc biệt vùng ĐBSCL rất phù hợp để nuôi tôm. Tuy nhiên, dự kiến xâm nhập mặn và nước biển dâng dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, từ đó, chúng ta có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm.
Liên quan tới công tác quy hoạch,để tránh hiện tượng phát triển ồ ạt, tràn lan, tránh tình trạng nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chạy theo phong trào, tự phát…, cần chú ý gắn với các nhà máy chế biến, chú ý đến từng khu vực nuôi có lợi thế,...