Sửa đổi Luật Thuế TNDN để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Thứ sáu, 06/09/2024 17:27
(ĐCSVN) - Nhằm đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn và các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế về thuế, Chính phủ đã xây dựng hồ sơ dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) theo đúng quy trình, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: HT)

Ngày 6/9, tại Cần Thơ, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến tham gia đối với Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi" nhằm thu thập ý kiến của của cơ quan trung ương và địa phương trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội thảo luận tại kỳ hợp tháng 10/2024. Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội liên quan… 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009 (thay thế cho Luật thuế TNDN năm 2003) và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần vào năm 2013, năm 2014 và năm 2020. 

Qua hơn 15 năm thực hiện, Luật thuế TNDN đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế xã hội của đất nước và đạt được các kết quả quan trọng. Luật đã được hoàn thiện theo đúng định hướng cải cách hệ thống thuế, phí và lệ phí được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, đồng thời, bám sát các mục tiêu, định hướng xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2011-2020. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. 

Ông Trương Bá Tuấn khẳng định, Luật thuế TNDN đã thực hiện xóa bỏ triệt để sự đối xử phân biệt về chính sách thuế TNDN giữa các thành phần kinh tế, loại hình DN; thực hiện giảm nghĩa vụ thuế cho DN thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông. Cùng với đó, Luật đã điều tiết được hầu hết các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, quá trình cải cách chính sách thuế TNDN trong giai đoạn vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển theo các định hướng ưu tiên đặc biệt là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. 

Theo đó, Luật thuế TNDN đã tiếp tục thực hiện giảm mức thuế suất phổ thông thuế TNDN từ 25% xuống 22% từ 1/1/2014, riêng các DN quy mô nhỏ được áp dụng mức 20% ngay từ 1/7/2013. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông áp dụng cho mọi loại hình DN là 20%.

Tuy nhiên, theo sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật Thuế TNDN đã bộc lộc một số hạn chế như chưa đáp ứng được các yêu cầu từ thực tiễn và các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, cũng như đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật…

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: HT)

Để thể chế hóa chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, nhằm đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn và các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế về thuế, Chính phủ đã xây dựng hồ sơ dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) theo đúng quy trình, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong thời gian qua, dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân thông qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Tại Hội thảo, ông Lê Minh Khiêm – Trưởng phòng Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Cục Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, Dự thảo Luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý, đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Đối với việc luật hóa nội dung quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 về áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, qua nghiên cứu, rà soát cho thấy mặc dù Nghị quyết số 107/2023/QH15 có hiệu lực từ kỳ tính thuế năm 2024 song việc kê khai, nộp thuế TNDN bổ sung có thời hạn từ 12 - 18 tháng sau khi kết thúc năm tài chính 2024. Theo đó, trên thực tế, tới năm 2026 doanh nghiệp mới đến thời hạn áp dụng quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 và chưa thể đánh giá được hiệu quả và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện. Do vậy, tại dự thảo Luật chưa bổ sung nội dung luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 nêu trên để đảm bảo nguyên tắc, quan điểm xây dựng Luật là “Luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp, bao gồm cả những nội dung đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật” – Ông Khiêm chia sẻ.

Theo đó, Dự án Luật đã quy định chi tiết về các đối tượng người nộp thuế là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật; Quy định rõ thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh. Và, bổ sung quy định việc tuân thủ điều ước quốc tế trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác về cơ sở thường trú nhằm phù hợp với Luật điều ước quốc tế cũng như việc thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế có liên quan….

Về thu nhập được miễn thuế, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung, tiêu chí và điều kiện cụ thể đối với một số khoản thu nhập được miễn thuế trên cơ sở luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật; Bổ sung quy định liên quan đến phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa được miễn thuế để quy định trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định cụ thể mức tỷ lệ của phần thu nhập không chia trên thu nhập tính thuế của cơ sở thực hiện xã hội hóa thì mức tỷ lệ tối thiểu là 25% thu nhập tính thuế; đồng thời, bổ sung đối tượng là liên hiệp hợp tác xã cho phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023; Bổ sung thêm một số khoản thu nhập được miễn thuế gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành; Khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập; khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật; Khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Thu nhập từ hoạt động có thu của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Về kỳ tính thuế đã bổ sung quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh thì kỳ tính thuế thực hiện theo pháp luật về quản lý thuế.

Về xác định thu nhập tính thuế đã bổ sung quy định cụ thể về xác định thu nhập tính thuế, thu nhập chịu thuế để luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập tính thuế để cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế. 

Về doanh thu tính thuế TNDN đã bổ sung quy định chi tiết về nguyên tắc xác định doanh thu và thời điểm xác định doanh thu tính thuế TNDN trên cơ sở luật hóa quy định tại các văn bản dưới Luật đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Và quy định cụ thể các trường hợp đặc thù hiện đang được hướng dẫn tại các văn bản dưới Luật để giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định doanh thu tính thuế TNDN.

Về phương pháp tính thuế đã bổ sung quy định áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng trong trường hợp xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, khuyến khích cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, qua đó, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân và quy định mức thu cụ thể.

Ngoài ra, dự án Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về khoản chi phí được tính vào chi phí được trừ trên cơ sở luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật và có rà soát, bổ sung để đồng bộ với quy định của các Luật mới được ban hành (như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024); Sửa đổi quy định không phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng của Luật hiện hành thành giao Chính phủ quy định một số trường hợp đặc thù không phải đáp ứng điều kiện về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục đối với các trường hợp đặc thù này để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn. 

Đồng thời, dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định việc áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm đối với dự án đầu tư mới tại khu kinh tế nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Đồng thời, giao Chính phủ xác định ưu đãi thuế cho trường hợp vị trí thực hiện dự án nằm trên cả địa bàn được áp dụng ưu đãi thuế TNDN và địa bàn không thuộc địa bàn ưu đãi thuế để đáp ứng các yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn. Bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành. Bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất ưu đãi 17% trong 10 năm đối với: dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Và sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí đối với những trường hợp được xem xét kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi trên cơ sở luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Bổ sung quy định về áp dụng thuế suất ưu đãi cho các dự án thuộc đối tượng ưu đãi đặc biệt đã được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo ông Khiêm, dự án Luật cũng chú trọng sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian bắt đầu tính miễn, giảm thuế đối với các trường hợp: doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bổ sung quy định về áp dụng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng cho phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời sửa đổi tiêu chí về mức nguyên giá tài sản cố định tăng thêm đối với dự án đầu tư mở rộng (hiện hành là 20 tỷ đối với dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc 10 tỷ đối với dự án tại địa bàn ưu đãi đầu tư) thành giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn. 

Đặc biệt, dự án Luật chú trọng bổ sung các quy định về điều kiện để được giảm thuế, mức giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số trên cơ sở luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật.

Bổ sung quy định về việc giảm 50% số thuế phải nộp đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khu vực sự nghiệp công; Bổ sung quy định về việc áp dụng miễn thuế 02 năm đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời, quy định cụ thể về điều kiện để được miễn thuế, mức thuế suất áp dụng sau thời gian được hưởng ưu đãi để đảm bảo việc miễn thuế được thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng./.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực