Tài nguyên và đa dạng sinh học Cao nguyên đá Đồng Văn

Thứ ba, 30/01/2024 14:18
(ĐCSVN) - Hà Giang vùng địa đầu của Tổ quốc với hơn 100 km đường biên giới với Trung Quốc, là nơi có vị trí địa chính trị quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Đặc điểm tự nhiên đặc thù đã chia Hà Giang thành những vùng địa lý tự nhiên khác nhau.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đinh Hùng) 

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 04 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ) có diện tích 234.472,01ha, dân số 309.911 với 19 dân tộc thiểu số, trong đó 9 dân tộc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong khu vực: Dân tộc Tày, Kinh, Dao, Mông, Nùng, Pà Thẻn, La Chí, Hoa, Hán, Giấy, giao thông đi lại khó khăn. Đặc biệt nơi đây thiếu đất sản và thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, rất nghèo nàn khoáng sản nên các phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Hình thức canh tác chủ yếu, trừ một số thung lũng nhỏ hẹp, là canh tác hốc đá với cây trồng phổ biến là ngô, đậu tương và cỏ voi.

Khu vực chứa đựng các di sản địa chất và văn hoá dân tộc bản địa đặc sắc, đa dạng nguồn gen, nhiều loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị khoa học, giáo dục quốc tế., đa dạng hệ sinh thái. Công viên địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn có những kiến tạo địa chất điển hình và độc đáo: từ hẻm vực Tu Sản đến những sa mạc đá mênh mông huyền bí, hay những kiến tạo tự nhiên tạo nên cảnh quan núi đá đẹp và hùng vĩ có thể gặp ở bất cứ địa điểm nào trong vùng. Theo thống kê Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn có đến 30 cụm và 139 điểm di sản địa chất và là một điểm du lịch địa chất hấp dẫn. Khu vực CNĐ Đồng Văn nằm trong khu vực có địa hình cao của tỉnh, độ cao trung bình 1.300 - 1.400m, với 90% diện tích là núi đá vôi, đặc trưng cho địa hình karst phát triển  theo hướng từ Bắc - Tây Bắc, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Các lòng sông thường không có bãi bồi cố định, quá trình đào lòng mạnh, nhiều sông bị cạn về mùa khô. Lòng sông chủ yếu có cuội sỏi, đá gốc lẫn tảng lăn, Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những cao nguyên đá vôi đồ sộ và hùng vĩ nhất ở Việt Nam. Với những đặc điểm địa chất, địa mạo đặc sắc, ngày 03/10/2010, CNĐ Đồng Văn chính thức là thành viên thứ 77 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; là Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam, thứ hai ở Đông Nam Á.

Khu vực CNĐ Đồng Văn nằm ở vị trí giao thoa, tiếp giáp với các hệ thống sinh - khí hậu và nằm trên đường di lưu và di cư của nhiều loài động, thực vật nên tại đây có tính đa dạng sinh học cao. Các Vườn quốc gia, Khu dự trữ thiên nhiên, Khu bảo tồn loài sinh cảnh là minh chứng cho sự đa dạng sinh học của CNĐ Đồng Văn. Hiện nay, có 6 hệ thống bảo tồn tại CNĐ Đồng Văn, gồm: Vườn quốc gia Du Già (xã Du Già huyện Yên Minh; xã Minh Sơn huyện Bắc Mê; xã Tùng Bá huyện Vị Xuyên); Khu dự trữ thiên nhiên Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ và Yên Minh); Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Quản Bạ (huyện Quản Bạ); Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Chí Sán (huyện Mèo Vạc); Khu bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc); Khu bảo vệ cảnh quan Cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn).

Vị trí địa lý tác động tới đa dạng sinh học tại CNĐ Đồng Văn. Sự ảnh hưởng này thể hiện qua các yếu tố sinh - khí hậu, tác động đến phân bố của các kiểu hệ sinh thái, thảm thực vật; từ đó quyết định sự đa dạng về số lượng và thành phần loài động vật, thực vật tại CNĐ Đồng Văn.

 Nhằm phát triển bền vững kinh tế xã hội, cần tăng cường việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên; hệ sinh thái đặc hữu của địa phương; duy trì và phát triển các nguồn gen tự nhiên nguy cấp quý hiếm; các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, các loài nguy cấp quý hiếm và các sinh cảnh bị đe dọa tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ. Xác định các yếu tố đe dọa và làm giảm đa dạng sinh học tại Công viên địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn là nhiệm vụ quan trọng đáp ứng cho phát triển bền vững và góp phần tăng trưởng xanh của đất nước.

           

Đinh Văn Hùng (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực