Tăng cường hợp tác tài chính giữa Việt Nam và Nhật Bản

Thứ năm, 21/12/2023 08:47
(ĐCSVN) - Chiều 19/12, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Nhật Bản tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến tài chính song phương. Tại cuộc đối thoại, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của phía Nhật Bản trên các lĩnh vực hợp tác thuế, hải quan, chứng khoán và đặc biệt là bảo hiểm thiên tai.
 Hình ảnh điểm cầu Bộ Tài chính Việt Nam (Ảnh: HT)

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính Việt Nam) cho biết, buổi đối thoại diễn ra trong bối cảnh năm 2023 hai nước có nhiều bước tiền lớn trong quan hệ hợp tác.

Hiện nay, Nhật Bản đang là đối tác kinh tế hàng đầu và là nhà tài trợ ODA lớn nhất của Việt Nam. Về đầu tư, dòng vốn FDI của Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 địa phương của Việt Nam. Lũy kế đến tháng 12/2022, Nhật Bản có 4.978 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Về thương mại, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm các đối tác có thương mại lớn nhất trong hơn 200 quốc gia có xuất nhập khẩu hàng hóa với Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2023, kim ngạch thương mại Việt Nam - Nhật Bản đạt gần 37 tỷ USD.

Cùng với đó, trao đối thương mại giữa hai nước thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế cũng khẳng định, trong thời gian qua Bộ Tài chính hai nước Việt Nam – Nhật Bản có sự hợp tác chặt chẽ trong nhiều khuôn khổ đa phương, khu vực và song phương. Trong hợp tác ASEAN+3, Việt Nam ghi nhận những đóng góp của Nhật Bản trong tiến trình hợp tác ASEAN+3 nói chung, hoạt động của Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).

Theo ông Phạm Tuấn Anh, trong các lĩnh vực hợp tác khác như thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm, Việt Nam cũng đánh giá cao sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực từ phía Nhật Bản. Do đó, với mục đích nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực tài chính giữa 2 nước, buổi đối thoại sẽ là cơ hội để hai bên trao đổi thông tin, chia sẻ một cách cởi mở, hiệu quả và tích cực.

Trong phiên đối thoại thứ nhất, đại diện Bộ Tài chính Nhật Bản đã giới thiệu và trình bày các nội dung liên quan đến nguồn vốn ODA, Trung tâm hợp tác tài chính toàn cầu Nhật Bản (GLOPAC). Đồng thời, đại diện cơ quan Bộ Tài chính hai bên cũng đã trình bày các nội dung hợp tác về thuế, hải quan, chứng khoán, quản lý vốn ODA.

Trong phiên đối thoại thứ hai, với sự chủ trì của Bộ Tài chính Việt Nam, đại diện Viện Chiến lược và chính sách tài chính trao đổi thông tin nền về tình hình thiệt hại thiên tai ở Việt Nam và bảo hiểm rủi ro thiên tai; đại diện Bộ Tài chính Nhật Bản giới thiệu về bảo hiểm tài sản công của quỹ SEADRIF, đồng thời giới thiệu về hệ thống bảo hiểm cho động đất ở Nhật Bản.

Theo Bộ Tài chính Việt Nam, với đường bờ biển dài và chịu ảnh hưởng của hoàn lựu gió mùa, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng El Nino và bão nhiệt đới Thái Bình Dương. Ước tính, mỗi năm thiên tai gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 1,5% GDP, tương đương 40.000 tỷ đồng, bao gồm thiệt hại về nhà ở, tài sản trong khu vực công nghiệp, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Dự báo, trong 50 năm tới, bão, lũ lụt, động đất gây thiệt hại cho Việt Nam trên 6,7 tỷ USD.

Liên quan đến vấn đề bảo hiểm thiên tai, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam chia sẻ, Việt Nam hiện chưa có các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai riêng biệt được cung cấp trên thị trường. Rủi ro thiên tai được các DN bảo hiểm triển khai phổ biến là nội dung rủi ro mở rộng trong các đơn vụ nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại bao gồm: bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm công trình dân dụng hoàn thành, bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, bảo hiểm mọi rủi ro công nghiệp, bảo hiểm cháy và rủi ro đặc biệt.

Trong khuôn khổ ASEAN+3, Việt Nam ủng hộ sáng kiến SEADRIF của Bộ Tài chính Nhật Bản. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký thư tham gia MOU đối với nội dung này vào tháng 1/2022. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 diễn ra hồi tháng 5/2023, các Bộ trưởng và Thống đốc đã thống nhất thông qua bản Kế hoạch hành động về tài chính rủi ro thiên tai do Nhật Bản đề xuất; đồng thời hoan nghênh việc đưa nội dung này vào chương trình nghị sự thường kỳ của các Hội nghị ASEAN+3. Với những bước tiến như vậy, Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên ASEAN+3 nỗ lực, tích cực trong thảo luận đối với sáng kiến này.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực