Tăng cường quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư với Ethiopia

Thứ sáu, 16/10/2015 18:31

(ĐCSVN) - Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á đã tổ chức đoàn công tác nghiên cứu chính sách, xúc tiến thương mại và đầu tư tại thành phố Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia.

Tại buổi làm việc với Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại Ethiopia, ngày 9/10, hai bên đã giới thiệu tình hình phát triển kinh tế mỗi nước, điểm lại tình hình hợp tác song phương đánh giá những tiềm năng, cũng như những khó khăn, thách thức đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và công nghiệp.

Hai bên nhận thấy trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2014, kim ngạch song phương đạt 26 triệu USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 11,2 triệu USD với các mặt hàng chính là sản phẩm dệt may, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, sản phẩm chất dẻo… và nhập khẩu đạt 14,8 triệu USD với các mặt hàng chính gồm đậu tương, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, cà phê...

Để tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, Việt Nam và Ethiopia cần nghiên cứu ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương, đẩy mạnh trao đổi các đoàn, thông tin về cơ hội kinh doanh, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn tổ chức hàng năm tại mỗi nước.

Ethiopia là thị trường lớn nhất khu vực Đông Phi với dân số trên 96 triệu người, đông thứ hai sau Nigeria, diện tích trên 1 triệu km2. Nền kinh tế Ethiopia phát triển năng động nhờ những thành công trong việc cải cách, duy trì được mức tăng trưởng thuộc loại cao nhất thế giới khoảng 10% giai đoạn 2011-2015.

Thời gian gần đây, Ethiopia đẩy mạnh việc tăng cường quan hệ với Việt Nam thể hiện qua việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (4/2014), tổ chức đoàn Phó Thủ tướng sang thăm và làm việc tại Việt Nam (11/2014). Hiện nay, hãng hàng không Ethiopia đã mở tuyến hàng không quốc tế kết nối thủ đô Addis Ababas với TP Hồ Chí Minh (qua Bangkok và Kula Lampur), tạo thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi giữa các thương nhân hai nước.

Thay mặt cho Bộ Công nghiệp, ngài Tadesse Haile, Quốc Vụ khanh bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu phát triển đất nước mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và chúc mừng Việt Nam đã hoàn tất đàm phán TPP. Ngài Haile cũng khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Ethiopia tại khu vực Đông Nam Á. Ethiopia đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập ở mức trung bình trong một vài năm tới và mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế đồng thời kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, liên doanh phát triển các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng… tại Ethiopia.

Ông Lisanework Gorfu, Vụ trưởng Vụ Hợp tác và đàm phán thương mại, Bộ Thương mại Ethiopia cho biết Ethiopia đang đàm phán gia nhập WTO và bày tỏ mong muốn Việt Nam ủng hộ, chia sẻ kinh nghiệm đàm phán gia nhập tổ chức này.

Nhân dịp này, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam đã trao cho đại diện Bộ Công nghiệp và Thương mại Ethiopia Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và công nghiệp để phía Bạn xem xét, sớm ký kết tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước. Phía Ethiopia khẳng định sẽ phối hợp và thúc đẩy các cơ quan hữu quan nước này để sớm hoàn thiện, ký kết Bản ghi nhớ.

Cũng trong thời gian ở Ethiopia, đoàn đã có buổi việc với Tổng thư ký Phòng Thương mại và Các hiệp hội ngành nghề Ethiopia. Phía Bạn cho biết hiện nước này đang đẩy mạnh sản xuất bông, nguyên phụ liệu dệt may, da, hàng nông sản… Ethiopia có khả năng trở thành nhà cung cấp bông tiềm năng cho ngành dệt may Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, nước ta chưa có dự án đầu tư nào tại Ethiopia trong khi Ethiopia được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu (0%) khi xuất khẩu các sản phẩm dệt may vào Hoa Kỳ (theo Đạo luật về cơ hội và tăng trưởng AGOA). Vì vậy, nếu đầu tư tại Ethiopia, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu và lao động giá rẻ cũng như ưu đãi về xuất xứ. Ông cũng nhất trí với đại diện phía Việt Nam rằng hai bên cần thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn và thông tin doanh nghiệp giữa hai Phòng Thương mại và các hiệp hội ngành nghề, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, chia sẻ cơ hội kinh doanh, đặc biệt là thông qua việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế, diễn đàn hợp tác kinh tế tổ chức tại mỗi nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực