Tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ trái cây tại các tỉnh Nam bộ

Thứ hai, 18/10/2021 17:25
(ĐCSVN) - Để tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ các mặt hàng trái cây tại Nam bộ trong thời gian tới, Cục Trồng trọt cho rằng, các địa phương cần dự kiến thống kê sản lượng từng loại trái cây cụ thể hàng tuần, tháng, quý để có phương án tiêu thụ hiệu quả. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái thu mua, vận chuyển trái cây.
 Ảnh minh họa (Nguồn: KV)

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ước tổng diện tích 25 loại cây ăn quả vùng Nam bộ năm 2021 khoảng 498,1 nghìn ha, tăng 29,3 nghìn ha so với năm 2020 và bằng 42,6 % diện tích của cả nước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tổng diện tích 363,7 nghìn ha, tăng 19,2 nghìn ha so với năm 2020. Các cây có diện tích lớn gồm: xoài 49,3 nghìn ha; chuối 38,1 nghìn ha; thanh long 26,7 nghìn ha; dứa 29,4 nghìn ha,…

Tại vùng Đông Nam bộ, ước tổng diện tích cây ăn quả đạt 125,4 nghìn ha, tăng 10,1 nghìn ha. Các cây có diện tích lớn như: xoài 16,6 nghìn ha; chuối 17,9 nghìn ha; thanh long 2,8 nghìn ha; sầu riêng 13,9 nghìn ha; mãng cầu 6,4 nghìn ha,…

Ước sản lượng thu hoạch 13 loại cây ăn quả chủ lực năm 2021 của cả vùng Nam bộ đạt 5.331 nghìn tấn. Trong đó, ước tổng sản lượng còn lại các loại cây ăn quả chủ lực của Quý IV/2021 là 1.056,3 nghìn tấn.

Cũng theo Cục Trồng trọt, do tình hình hình dịch bệnh COVID - 19 phức tạp tại các tỉnh Nam bộ từ tháng 5 đến nay đã ảnh hưởng đến tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu. Mặc dù các cơ quan Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp để trái cây được thu mua, thông quan, tiêu thụ và xuất khẩu nhưng tình hình tiêu thụ một số thời điểm gặp khó khăn, dẫn đến giá thu mua thấp một số mặt hàng trái cây.

Trong đó, giá bán một số cây ăn quả chính vụ có thời điểm ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm trước như: Thanh long ruột đỏ 3.000 - 5.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng 2.000 - 3.000 đồng/kg; nhãn giá thu mua giảm khoảng 40 - 50% so với cùng kỳ; chôm chôm 6.000 - 7.000 đồng/kg, giảm khoảng 20 - 30% so cùng kỳ; sầu riêng 30.000 - 35.000 đồng, giảm khoảng 20 - 30% so cùng kỳ. Chỉ có một số cây ăn quả ổn định được giá bán như: mít, bưởi.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến việc thu mua khó khăn, thiếu người thu mua. Đồng thời, việc vận chuyển khó khăn giữa các vùng trong tỉnh, thành phố và giữa các tỉnh thành phố với nhau. Đi cùng với đó là việc tăng giá thành sản xuất do chi phí đầu vào tăng như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiếu nhân công lao động,…Việc xuất khẩu một số mặt hàng như: thanh long, sầu riêng, xoài, mít, chuối, bưởi, nhãn, chôm chôm cũng gặp khó khăn.

Theo Cục Trồng trọt, để thúc đẩy sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ các mặt hàng trái cây tại Nam bộ trong thời gian tới, trên cơ sở định hướng quy hoạch của tỉnh, của vùng và tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19, các tỉnh, thành phố cần tập trung tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện đúng định hướng, xác định cụ thể diện tích từng loại cây thông qua việc quản lý vùng trồng gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Hỗ trợ, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, đánh giá cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn. Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các hệ thống siêu thị trong nội tỉnh và ngoại tỉnh, bán các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử,…

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai kế hoạch chi tiết sản xuất, tiêu thụ các loại trái cây, dự kiến thống kê sản lượng từng loại trái cây cụ thể hàng tuần, tháng, quý để có phương án tiêu thụ hiệu quả, dự báo và triển khai sản xuất cho từng đối tượng cây ăn quả phù hợp với tình hình hiện nay.

Cục Trồng trọt lưu ý, trong điều kiện dịch COVID-19, các địa phương cần có kế hoạch để người lao động trong vùng có nguy cơ dịch bệnh COVID - 19 có thể hoạt động chăm sóc, thu hoạch vườn cây nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch an toàn. Sẵn sàng phương án triển khai thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ trái cây cụ thể đối với vùng bị cách ly, phong tỏa.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái thu mua, vận chuyển trái cây. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, thu mua bảo quản, chế biến trái cây như: hệ thống kho lạnh, cấp đông, chế biến các sản phẩm từ trái cây, giảm sản lượng bán trái tươi trong điều kiện hiện nay./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực