Tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông lâm nghiệp và thuỷ sản giữa New Zealand - Việt Nam

Thứ tư, 22/07/2020 16:59
(ĐCSVN) - Chiều 21/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam tổ chức lễ ký Thoả thuận về việc tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông lâm nghiệp và thuỷ sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử.
 Đại diện các bên ký Thoả thuận. (Ảnh: H.T)

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh chia sẻ: “Việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực chứng nhận điện tử cùng New Zealand là một bước đệm quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu; đồng thời tạo ra lộ trình thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng khác.”

Theo Đại sứ Wendy Matthews: Thỏa thuận này sẽ giúp cho việc trao đổi thương mại nhanh hơn, an toàn và rẻ hơn giữa hai nước. Trong liên tiếp 20 năm qua, New Zealand luôn là quốc gia hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực chứng nhận điện tử. New Zealand đã thiết lập thành công hệ thống chứng nhận điện tử với nhiều đối tác thương mại, trong đó ASEAN luôn được đặt làm trọng tâm.

New Zealand và Việt Nam kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào năm nay. Từ 2009, khi quan hệ “Hợp tác toàn diện” được thiết lập giữa New Zealand và Việt Nam, thương mại song phương phát triển ngày một ổn định, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng lên gấp 3 lần kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Australia- New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực năm 2010.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho rằng trong những năm qua, Việt Nam và New Zealand đã có nhiều thành tựu to lớn trong hợp tác, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong ba năm trở lại đây mới chỉ đạt trên dưới 1 tỷ USD. Đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng của doanh nghiệp hai nước.

Với tư cách là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại, Bộ Tài chính Việt Nam coi thỏa thuận ngày hôm nay là một sáng kiến mang tính đột phá, góp phần tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa giữa hai nước, thúc đẩy tăng trưởng cũng như đảm bảo thực thi hiệu quả pháp luật, bảo vệ cộng đồng thông qua việc đưa những sản phẩm có chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Thứ trưởng hy vọng thông qua sự thành công của sáng kiến này, Việt Nam và New Zealand sẽ tiếp tục mở rộng việc trao đổi các chứng từ hành chính, chứng từ thương mại điện tử khác, tiến tới công nhận lẫn nhau đối với các loại chứng từ này. Qua đó, từng bước tháo gỡ, hướng tới đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục hành chính trong thương mại song phương nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho giao lưu hàng hóa giữa hai quốc gia. Mặt khác, trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN, Australia, New Zealand mà cả hai nước đều là thành viên, Việt Nam coi đây là một sáng kiến hết sức quan trọng, làm tiền đề cho việc hợp tác sâu rộng hơn nữa trong các cơ chế đa phương này với mục đích thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các nước thành viên thông qua việc trao đổi và công nhận lẫn nhau đối với các chứng từ thương mại và hành chính điện tử.

“Được Chính phủ giao nhiệm vụ là đầu mối trong việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Các ngành cơ bản New Zealand để sớm hiện thực hóa thỏa thuận này”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.

Đại diện các bên cũng bày tỏ kỳ vọng sẽ sớm mở rộng sáng kiến này sang trao đổi các chứng từ điện tử có liên quan đến thương mại xuyên biên giới với các cơ quan hữu quan khác của New Zealand để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong hoạt động giao lưu hàng hóa qua biên giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống cũng như quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam và New Zealand.

MM.P.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực