Tập huấn áp dụng các công cụ phòng, chống rửa tiền trong điều tra, truy tố tội phạm về động vật hoang dã

Thứ năm, 09/03/2023 17:38
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) –Tội phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) được đánh giá là loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và có sự liên kết với các loại tội phạm khác như rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng. Phương thức thủ đoạn phạm tội của các nhóm đối tượng ngày càng trở nên tinh vi hơn nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trao đổi, mua bán ĐVHD.

Trong các ngày 09-11/3, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - Chương trình Việt Nam phối hợp tổ chức khóa tập huấn “Áp dụng các công cụ phòng, chống rửa tiền để điều tra, truy tố tội phạm về động vật hoang dã”.

leftcenterrightdel
 Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ hành tinh (Ảnh tư liệu)

Không dừng lại ở đó, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia còn lợi dụng những điểm yếu trong lĩnh vực tài chính và phi tài chính để dịch chuyển, che giấu và rửa các khoản tiền bất chính thu được từ hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) cũng đã thực hiện các đánh giá khía cạnh rủi ro của hoạt động rửa tiền liên quan đến tội phạm ĐVHD và đưa ra khuyến nghị về phương pháp và công cụ thích hợp mà các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan tư pháp nên áp dụng để ngăn chặn và chống tội phạm về ĐVHD thông qua ngăn chặn các giao dịch tài chính bất hợp pháp.

Khóa tập huấn này được thiết kế nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thu thập thông tin, xây dựng và xử lý hồ sơ các vụ án liên quan đến ĐVHD, trong đó tội phạm về ĐVHD được xác định là tội phạm nguồn của tội phạm rửa tiền cho các cán bộ đang công tác tại các đơn vị của Viện kiểm sát nhân dân các cấp thông qua phương pháp giảng dạy tích cực và chia sẻ từ kinh nghiệm quốc tế của các chuyên gia đến từ Công ty tư vấn quốc tế (AML), một đơn vị tư vấn về đào tạo trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Vương quốc Anh. Tại khóa tập huấn, các cán bộ tham gia có cơ hội tìm hiểu thêm về các thủ đoạn lợi dụng kẽ hở pháp luật của một số nền tư pháp trên thế giới để tiến hành rửa tiền, hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong các vụ án rửa tiền, cũng như thực hành các bài tập tình huống áp dụng công cụ phòng, chống rửa tiền trong xử lý các vụ án về ĐVHD dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia quốc tế và trong nước.

Tham dự khóa tập huấn có PGS.TS. Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức WCS Việt Nam, các chuyên gia của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các chuyên gia quốc tế của Công ty AML và hơn 40 đại biểu đến từ các khoa có nghiệp vụ liên quan của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh và các kiểm sát viên, kiểm tra viên của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và 13 tỉnh, thành phố.

leftcenterrightdel
PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phát biểu (Ảnh: BTC) 

Khai mạc khóa tập huấn, PGS.TS. Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhấn mạnh: “Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trong việc chung tay bảo tồn ĐVHD và đẩy lùi các tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến mua bán trái phép ĐVHD. Thực tế cho thấy một phần lực lượng thực thi pháp luật ở nước ta còn chưa hiểu biết sâu về hoạt động rửa tiền – là tội phạm nguồn, tội phạm xuyên quốc gia có liên hệ mật thiết với tội phạm về ĐVHD và  pháp luật về phòng, chống rửa tiền.Trong đó, một số Kiểm sát viên cũng chưa có đầy đủ thông tin và phương pháp để chuẩn bị cho việc giải quyết các vụ án về rửa tiền. Do đó, tìm hiểu và trang bị những kiến thức và kỹ năng về phòng chống rửa tiền để điều tra, truy tố các tội phạm về ĐVHD cho Kiểm sát viên là hoạt động vô cùng cần thiết”.

leftcenterrightdel
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia WCS Việt Nam phát biểu (Ảnh: BTC) 

Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức WCS Việt Nam cũng cho biết: “WCS Việt Nam hy vọng rằng khóa học này sẽ đáp ứng được mong đợi nâng cao kỹ năng kiểm sát điều tra đối với hoạt động điều tra tài chính và kỹ năng phân tích các báo cáo giao dịch rủi ro và các giao dịch đáng ngờ được ghi nhận trong báo cáo đánh giá về nhận thức, năng lực phát hiện và phòng ngừa các rủi ro tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD do WCS và Đại học Kiểm sát Hà Nội thực hiện vào năm 2021. Chúng tôi cũng hy vọng rằng cùng với hai đơn vị đào tạo của ngành Kiểm sát – Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh -- xây dựng nên chương trình phát triển chuyên môn dài hạn trong kiểm sát hoạt động điều tra tài chính và rủi ro rửa tiền từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam”.

Khóa tập huấn được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực