Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long tiếp xúc với các đối tác bên lề Hội nghị EMM 14

Thứ hai, 19/08/2024 14:30
(ĐCSVN) - Trong khuôn khổ công tác tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng APEC lần thứ 14 (EMM 14), bên lề các hoạt động chính thức, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, Trưởng đoàn Việt Nam đã có buổi tiếp xúc song phương với các Đối tác bao gồm Nhật Bản, Ca-na-đa, Hoa Kỳ, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xing-ga-po, Hồng Công-Trung Quốc và họp nhóm các Trưởng đoàn ASEAN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tiếp xúc song phương với các đối tác bên lề Hội nghị Bộ trưởng năng lượng APEC lần thứ 14 (Ảnh: CXT)

Tại buổi tiếp xúc song phương với Thứ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật bản, ông Nobuhiro Yoshida cho biết Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy Sáng kiến Cộng đồng Châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) thông qua đề xuất những dự án/ hỗ trợ cụ thể cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Ông Nobuhiro thông báo về Kế hoạch Hội nghị Thượng đỉnh AZEC lần thứ 2 vào tháng 10 năm nay và Hội nghị Bộ trưởng AZEC từ ngày 20-21/8 tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a với mong muốn Việt Nam cử đoàn tham dự các Hội nghị này.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, Việt Nam cam kết đạt được mục tiêu net-zero đến năm 2050. Việt Nam có nguồn năng lượng thủy điện dồi dào, hiện chiếm tỷ trọng gần 30% tổng công suất nguồn điện của Việt Nam, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) chiếm trên 26%. Việt Nam hiện đang phát triển các dự án điện khí và mong muốn thúc đẩy phát triển hơn nữa về năng lượng gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi có thể dần thay thế năng lượng hóa thạch trong tương lai. Bộ Công Thương và đơn vị đầu mối phía Nhật Bản (Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã thành lập Nhóm Công tác xúc tiến AZEC. Về phát triển điện khí, hiện Việt Nam đang xây dựng cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu và một số nội dung chính áp dụng trong hợp đồng mua bán điện. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản như Tokyo Gas, Sojitz, Marubeni, JERA… triển khai các dự án đầu tư cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật để có thể tham gia vào thị trường điện khí tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp xúc song phương với Trợ lý Thứ trưởng tài nguyên thiên nhiên Canada, ông Frank Des Rosiers chia sẻ kinh nghiệm của Canada về phát triển công nghệ điện hạt nhân mô-đun nhỏ và kế hoạch phát triển kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Canada và tiềm năng cung cấp cho Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn đến thăm Việt Nam vào tháng 10 năm 2024. 

Tại buổi tiếp xúc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng và nguồn nước Ma-lai-xi-a, ông Dato' Sri Haji Fadillah Yusof nhận định rằng Việt Nam là một trong các quốc gia có  tiềm năng dồi dào về năng lượng, bao gồm năng lượng gió, năng lượng khí đốt. Việt Nam và Ma-lai-xi-a đều là 2 nền kinh tế có kết nối sâu sắc trong lĩnh vực cung cấp và nhập khẩu năng lượng với các nền kinh tế trong khu vực do vậy cần tiếp tục hợp tác để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kết nối hệ thống năng lượng khu vực. Tại buổi tiếp, Ma-lai-xi-a bày tỏ mong muốn được hợp tác triến khai dự án Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và nhập khẩu điện về Ma-lai-xi-a.

Tại buổi tiếp xúc với Cục trưởng Môi trường và Sinh thái Hồng Công – Trung Quốc, ông Tse Chin-Wan chia sẻ cam kết đạt được mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050, kế hoạch phát triển năng lượng hydrogen của Hồng Công – Trung Quốc và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới trong phát triển năng lượng hydrogen. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long mong muốn các doanh nghiệp Hồng Công, Trung Quốc tăng cường đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Tại buổi tiếp xúc ngắn với Hoa Kỳ và In-đô-nê-xi-a, Việt Nam mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ trong quá trình thực thi Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Phía In-đô-nê-xi-a bày tỏ mong muốn Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm về hợp đồng mua bán điện (DPPA), ta mong muốn bạn chia sẻ kinh nghiệm về việc thực thi JETP. Hai bên nhất trí sớm tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa Lãnh đạo hai Bộ để trao đổi về hợp tác năng lượng.

Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc xã giao giữa Việt Nam với các nền kinh tế ASEAN, các Trưởng đoàn ASEAN bày tỏ mong muốn các thành viên ASEAN tăng cường hợp tác về năng lượng trong khuôn khổ ASEAN, đặc biệt là thúc đẩy sáng kiến Hệ thống truyền tải điện ASEAN.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực