Thúc đẩy phát triển NET ZERO cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam

Thứ sáu, 06/09/2024 08:18
(ĐCSVN) - Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2024 (ITE HCMC 2024), ngày 5/9 đã diễn ra Diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi xanh, du lịch NET ZERO - Kiến tạo tương lai” nhằm thảo luận và đề xuất các biện pháp tăng cường chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển NET ZERO cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam; Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo Bộ phụ trách du lịch các nước; lãnh đạo các tỉnh, thành của Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững được đặt ra như một chiến lược quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, đồng thời, trở thành tiền đề cho định hướng phát triển du lịch NET ZERO tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: BTC) 

Nhờ sự chung tay, đồng lòng của cả cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư và cả du khách, hành trình xanh hóa du lịch thời gian qua đã đạt một số kết quả khả quan. Ở cấp địa phương, nhận thức và hành động về Du lịch xanh có sự chuyển biến tích cực. Nhiều điểm đến thể hiện cam kết và hành động mạnh mẽ về quản lý, bảo vệ môi trường du lịch như Hội An, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bến Tre, Côn Đảo, Cô Tô (Quảng Ninh), Sa Pa…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cũng như nhiều lĩnh vực khác, chuyển đổi xanh trong du lịch cũng gặp phải nhiều thách thức như: nhận thức chưa đầy đủ; thiếu cơ chế và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; vấn đề tài chính và đầu tư; việc tiêu thụ năng lượng, tài nguyên; tình trạng xả thải của phương tiện và điểm đến còn cao; và hiệu quả áp dụng cơ chế chính sách còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, là một trong những đô thị lớn của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với thách thức phát triển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống để có thể phát triển một cách bền vững. Trong lĩnh vực du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực phát triển du lịch hài hòa với môi trường sinh thái, văn hóa bản địa, hướng đến sự phát triển bền vững cả về kinh tế - văn hóa và môi trường.

“Thành phố Hồ Chí Minh cam kết rằng sau Diễn đàn hôm nay, Thành phố sẽ nhanh chóng rà soát, hoàn thiện các giải pháp, có tiêu chí, cơ chế chính sách và kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi xanh, hướng đến NET ZERO và luôn sáng tạo, đổi mới trong cách tiếp cận du lịch bền vững để bảo đảm rằng các giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên được giữ gìn và phát triển”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Diễn đàn “Chuyển đổi xanh, Du lịch NET ZERO - Kiến tạo tương lai” gồm 2 phiên thảo luận. Trong phiên 1, các đại biểu đã nêu tổng quan và vai trò của chuyển đổi xanh và NET ZERO trong phát triển du lịch Việt Nam. Trong phiên thứ hai, các đại biểu, chuyên gia thảo luận giải pháp chuyển đổi xanh, phát triển du lịch NET ZERO trong ngành du lịch.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã lắng nghe các tham luận của các diễn giả về tổng quan chính sách NET ZERO của Việt Nam; Du lịch NET ZERO và ví dụ điển hình trên thế giới về triển khai thành công du lịch NET ZERO; Vai trò của chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển du lịch NET ZERO trong công tác xúc tiến điểm đến; Thúc đẩy chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh bền vững; Du lịch xanh - con đường tất yếu của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam; Kinh nghiệm ứng dụng du lịch NET ZERO thúc đẩy chuyển đổi xanh phát triển du lịch bền vững tại Quảng Bình…

Chia sẻ tại Diễn đàn, Tiến sĩ Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tất cả các quốc gia, hệ thống chính trị đều phải có trách nhiệm với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như thực hiện cam kết quốc gia.

Tính đến nay, Việt Nam đã có những hành động từ các công ty du lịch đến các cơ quản lý nhà nước để thực hiện mục tiêu giảm khí thải, khí nhà kính của các hoạt động liên quan đến du lịch. Đặc biệt liên quan tới việc không sử dụng hóa thạch, Việt Nam đã cam kết giảm dần điện than vào năm 2030 và cắt bỏ hoàn toàn điện than vào 2040. Đồng thời, Việt Nam đã có nhiều các văn bản chỉ đạo, pháp luật được ban hành. Đặc biệt, từ Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các quyết định có tính chất quy phạm hướng tới mục tiêu định hướng cộng đồng, doanh nghiệp.

Tiến sĩ Lương Quang Huy cũng chỉ ra rằng, ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nhận khách của khách hàng, vận hành du lịch để thực hiện yêu cầu này.  

Theo ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng tình với quan điểm mục tiêu NET ZERO của ngành du lịch phải là mục tiêu của các ngành tổng hợp.

Thành Phố Hồ Chí Minh đã gắn kết 3 ngành giao thông - năng lượng - tiêu dùng với ngành du lịch để giảm thiểu cacbon. Theo đó, thành phố tập chung vào chuyển đổi xe bus có lộ trình 100% xe bus thành phố thành xe bus sạch, chuyển đổi có lộ trình shipper sang xe điện, chuyển đổi sang xe điện, xe đạp hoặc đi bộ. Phát triển các năng lượng tái tạo ở các lĩnh vực (điện áp máy mặt trời, điện đốt rác, điện gió). Cuối cùng là tiêu dùng xanh, hiện tại đã có khu đảo Thiền Liền sử dụng plastic free, huyện đảo Cần Giờ là nơi thí điểm NET ZERO của thành phố.

Thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có hành động tập thể, đồng thời và có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi và hạn chế các “cú sốc” về kinh tế - xã hội.

Lộ trình chuyển đổi nền có thể cần 10-20 năm để tạo không gian cho các bên liên quan triển khai đối thoại, thử nghiệm, học hỏi, tranh luận, và điều chỉnh chính sách. Cần đảm bảo các cột mốc về: Nâng cao nhận thức; Áp lực thay đổi; Các lựa chọn kỹ thuật; Các quyết định chính sách; Thay đổi hành vi; Các kết quả phát triển bền vững đạt được dưới tác động của các động lực như đối thoại và sự tham gia của các bên liên quan, khoa học và công nghệ

Trong thời gian tới, cần có sự đóng góp, tham gia của các sở, ban, ngành, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chi tiết các giải pháp, bao gồm các kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực, đánh giá tác động và lộ trình triển khai thực hiện.

H.Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực