Trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp

Thứ ba, 16/04/2024 15:49
(ĐCSVN) - Bộ Công thương đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), dự kiến trình Chính phủ trước ngày 30.4.2024.
Trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (Nguồn: EVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15.4.2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Công điện cho biết, năm 2024 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 - 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu điện thời gian tới, bảo đảm không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 được phê duyệt; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát về quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, khoa học, hiệu quả, các nhà máy điện vận hành an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa sự cố, bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2024 và các năm tiếp theo.

Về cơ chế, chính sách mua bán điện, khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 30.4.2024 cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ.

Về tiến độ các dự án nguồn điện trong Quy hoạch và Kế hoạch điện VIII, tập trung chỉ đạo việc lựa chọn nhà đầu tư, triển khai nhanh các dự án nguồn điện trong Quy hoạch, Kế hoạch điện VIII, bảo đảm kịp thời bổ sung nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải hằng năm, trong đó lưu ý khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các nhà máy nhiệt điện than Công Thanh và Nam Định 1 trước ngày 1.7.2024 để bảo đảm mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và cung ứng điện cho miền Bắc.

Về tiến độ các dự án truyền tải điện, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối để đưa vào sử dụng trước ngày 30.6.2024, các dự án truyền tải điện từ Lào để kịp thời bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8.6.2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo; hướng dẫn, khuyến khích sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất.

Liên quan đến cơ chế, chính sách mua bán điện, Bộ Công Thương cho biết, triển khai nhiệm vụ tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29.12.2023, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA.

Ngày 9.4.2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 814/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định. Đến nay, dự thảo 1 của Nghị định về cơ chế DPPA đã hoàn thiện, bao gồm 6 chương, 35 điều.

Trong dự thảo này, các vấn đề cơ bản như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được xác định rõ ràng, đi cùng với đó là các quy định về hợp đồng, giá, cơ chế thanh toán giữa các bên và đặc biệt là trách nhiệm của các bên tham gia mua bán điện theo cơ chế DPPA.

Riêng đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, dự thảo Nghị định chia thành 3 mục với các đối tượng tham gia mua bán điện khác nhau là: Mua bán điện giữa đơn vị phát điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua thị trường giao ngay; mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và Tổng công ty Điện lực; mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

Hiện, Bộ đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định để tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện và trình Chính phủ trước ngày 30.4.2024, Bộ Công Thương cho biết.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực